Khi kết hôn có cần phải theo tôn giáo của chồng không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 24/11/2022

Khi kết hôn có cần phải theo tôn giáo của chồng không? Chồng ép buộc vợ theo tôn giáo của mình có vi phạm pháp luật không? Ép buộc người khác theo tôn giáo của mình có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Chào Ban biên tập, tôi có vấn đề cần được giải đáp. Tôi theo đạo phật còn bạn trai của tôi theo đạo thiên chúa. Sắp đến tôi và anh có ý định kết hôn, cho tôi hỏi là khi kết hôn có bắt buộc tôi phải theo đạo của chồng không?

Rất mong được Ban biên tập giải đáp, tôi cảm ơn.

    • Khi kết hôn có cần phải theo tôn giáo của chồng không?
      (ảnh minh họa)
    • 1. Khi kết hôn có cần phải theo tôn giáo của chồng không?

      Tại Điều 24 Hiến pháp 2013 quy định như sau:

      1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

      2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

      3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

      Theo Điều 6 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người như sau:

      1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

      2. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.

      3. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

      4. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.

      5. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.

      6. Chính phủ quy định chi tiết việc bảo đảm thực hiện các quyền quy định tại khoản 5 Điều này.

      Căn cứ Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định điều kiện kết hôn như sau:

      1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

      a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

      b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

      c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

      d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

      2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

      Như vậy, theo quy định trên mỗi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nên khi bạn kết hôn không bắt buộc bạn phải bỏ đạo của mình để theo đạo của chồng. Điều quan trọng là bạn và chồng bạn phải đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn mà luật quy định.

      2. Chồng ép buộc vợ theo tôn giáo của mình có vi phạm pháp luật không?

      Tại Điều 5 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

      1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

      2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.

      3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.

      4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:

      a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;

      b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

      c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;

      d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

      5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

      Do đó, theo quy định trên ép buộc người khác theo tín ngưỡng, tôn giáo nào đấy là một hành vi bị nghiêm cấm. Chồng ép buộc vợ theo tôn giáo của mình là đang vi phạm pháp luật.

      3. Ép buộc người khác theo tôn giáo của mình có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

      Theo Điều 164 Bộ luật hình sự 2015 quy định tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác như sau:

      1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

      2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

      a) Có tổ chức;

      b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

      c) Phạm tội 02 lần trở lên;

      d) Dẫn đến biểu tình;

      đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

      3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

      Như vậy, theo quy định trên ép buộc người khác theo tôn giáo của mình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người phạm tội này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc đi tù lên đến 03 năm.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn