Làm thế nào để tố cáo công ty đa cấp lừa đảo?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 30/08/2016
Tôi có người bạn đang làm ở một công ty, sau khi nghe bạn tôi kể về công ty này và tìm hiểu trên mạng thì tôi biết công ty này kinh doanh theo kiểu đa cấp (bán hàng đa cấp bất chính). Cụ thể: - Khi vào công ty phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu mới được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. - Công ty không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại - Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Tôi muốn tố cáo công ty này thì mình cần những bằng chứng gì, cụ thể là những giấy tờ gì (tôi không biết là khi mua hàng có hóa đơn hay không nữa). Vì bạn tôi và còn nhiều người nữa cũng đang bị như vậy. Mà số tiền công ty kêu mua hàng thì càng ngày càng tăng, nếu không mua thì công ty nói sẽ không được tiếp tục tính điểm gì đó coi như mất tất cả.
    • Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

      Theo quy định tại Điều 48 Luật cạnh tranh năm 2004, việc “yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp” là một trong các hành vi “bán hàng đa cấp bất chính”. Hành vi này được xếp vào một trong những “hành vi cạnh tranh không lành mạnh” và bị xử lý theo Điều 36 Nghị định 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014.

      Cụ thể, tại khoản 3 Điều 36 Nghị định 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 quy định, phạt tiền doanh nghiệp bán hàng đa cấp từ 60.000.000 đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

      - Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

      - Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

      Phạt tiền gấp hai lần mức quy định tại Khoản 3 trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

      Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả sau:

      a) Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đối với hành vi quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản 1 Điều này và hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này trừ trường hợp kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

      b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được;

      c) Buộc cải chính công khai.

      Về thẩm quyền xử lý vi phạm

      Các cơ quan quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp được quy định tại Chương 6 Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, bao gồm:

      1. Cơ quan Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương;

      2. Sở Công thương

      Như vậy, bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi tới cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương hoặc Sở Công thương tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp bán hàng đa cấp đóng trụ sở.

      Trong quá trình điều tra phát hiện vụ việc cạnh tranh có dấu hiệu tội phạm, cơ quan có thẩm quyền phải kiến nghị ngay với thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh xem xét chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để khởi tố hình sự. Trong Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định một số tội danh liên quan như: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156), Tội kinh doanh trái phép (Điều 159), Tội lừa dối khách hàng (Điều 162), Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều 167), Tội quảng cáo gian dối (Điều 168), Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139), Tội buôn lậu (Điều 153)....

      Như vậy, tùy vào hành vi cụ thể cũng như tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện và doanh nghiệp có hành vi kinh doanh đa cấp bất chính có thể bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật cạnh tranh, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong Bộ luật hình sự.

      Để bảo vệ quyền lợi, bạn có thể cùng những người bị hại khác yêu cầu doanh nghiệp bán hàng đa cấp trả lại tiền đã “lừa”. Nếu doanh nghiệp đó không giải quyết hoặc gây khó khăn thì bạn và những người bị hại khác cần chuẩn bị chứng cứ, làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng như đã nêu ở trên.

      Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.

      Luật gia Đồng Xuân Thuận

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn