Miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến đối với công dân đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 28/10/2016

Miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến đối với công dân đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, Doanh nghiệp nhà nước được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi được biết pháp luật có quy định miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến đối với một số đối tượng. Cụ thể việc miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến đối với công dân đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, Doanh nghiệp nhà nước được quy định được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật! Châu Giang (giang***@gmail.com)

    • Miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến đối với công dân đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước được quy định tại Điều 7 Nghị định 14/2016/NĐ-CP' onclick="vbclick('4754E', '148125');" target='_blank'>Nghị định 14/2016/NĐ-CP quy định ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân đối với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến và việc huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai như sau:

      1. Công dân đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước tại địa bàn các xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng dân tộc ít người được xác định đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

      a) Người làm việc trong các ngành: Giáo dục, Y tế, Bưu chính, Viễn thông, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản, Điện, Than, Dầu mỏ, Khí đốt, Xăng dầu, Hóa chất;

      b) Người đang làm đường, xây dựng các công trình, phụ trách kỹ thuật trồng, khai thác và chế biến cao su, cà phê, cây công nghiệp, khai thác, chế biến lâm sản, thủy sản.

      2. Công dân đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước thuộc địa bàn khác

      a) Ngành Giáo dục:

      Giám đốc, Phó Giám đốc, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng: Học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và tương đương; Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học, mầm non;

      Trưởng khoa các cơ sở giáo dục đại học;

      Người có học hàm giáo sư, phó giáo sư, trình độ tiến sỹ, danh hiệu nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân, giảng viên cao cấp, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trở lên trong các cơ sở giáo dục;

      Năm mươi phần trăm giảng viên, giáo viên trong các cơ sở giáo dục.

      b) Ngành Y tế:

      Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng khoa bệnh viện tuyến Trung ương, khu vực, tỉnh và các chức vụ tương đương; Giám đốc bệnh viện tuyến huyện và các chức vụ tương đương;

      Người có danh hiệu thầy thuốc nhân dân;

      Tám mươi phần trăm số người làm việc trong các Bệnh viện, Viện tuyến Trung ương; bảy mươi phần trăm số người làm việc trong các Bệnh viện tuyến tỉnh; sáu mươi phần trăm số người làm việc trong các Bệnh viện tuyến huyện và tương đương không nằm trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội khi có lệnh động viên.

      c) Ngành Ngoại giao:

      Người đứng đầu cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước ngoài;

      Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ và cấp Bộ; Trưởng đoàn Điều tra chống bán phá giá đang tham gia đàm phán hoặc Điều tra.

      d) Ngành Tài nguyên và Môi trường:

      Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc và các chức vụ tương đương thuộc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia; Giám đốc và các chức vụ tương đương của các Trung tâm, Liên đoàn, Đài trực thuộc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia; Trạm trưởng Trạm khí tượng, thủy văn, hải văn, môi trường, ra đa, định vị vệ tinh;

      Liên đoàn trưởng, Phó Liên đoàn trưởng, Đoàn trưởng các liên đoàn, đoàn: Địa chất, quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước; Giám đốc và các chức vụ tương đương của các Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; Giám đốc và các chức vụ tương đương của các Liên đoàn trực thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia.

      đ) Ngành Giao thông vận tải:

      Giám đốc cảng biển quốc tế; Giám đốc cảng hàng không;

      Cơ trưởng, Cơ phó, Tiếp viên trưởng tàu bay của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam không nằm trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội khi có lệnh động viên; người đứng đầu bộ phận kỹ thuật thuộc cảng hàng không; người đứng đầu Công ty kỹ thuật máy bay và Công ty thành viên thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam; Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành khai thác bay;

      Người đứng đầu cơ quan Điều hành vận tải đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị;

      Người phụ trách dây chuyền sản xuất, sửa chữa các sản phẩm quốc phòng;

      Thuyền trưởng, lái chính, thợ máy chính, thợ điện chính các tàu: Vận tải, du lịch đường thủy có công suất 1960 CV trở lên, tàu hoa tiêu, tàu cuốc, tàu cứu hộ không nằm trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội khi có lệnh động viên;

      Lái chính, thợ máy chính ca nô tại các bến phà không nằm trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội khi có lệnh động viên;

      Năm mươi phần trăm số người làm việc tại các cảng biển quốc tế, cảng hàng không;

      Lái chính đoàn tàu vận tải đường sắt đang hoạt động, Điều độ viên chạy tàu, trực ban chạy tàu, trưởng ga của ngành Đường sắt Việt Nam;

      Những người gác đèn biển, hoa tiêu.

      e) Ngành Bưu chính, Viễn thông:

      Giám đốc trung tâm viễn thông cấp tỉnh; Giám đốc trung tâm Điều hành thông tin cấp tỉnh;

      Những người bảo đảm thông tin liên lạc trong thời kỳ chiến tranh;

      Những người làm việc trong các dây chuyền sản xuất, sửa chữa sản phẩm quốc phòng.

      g) Ngành Xây dựng:

      Kỹ sư trưởng, Tư vấn giám sát các công trình trọng Điểm quốc gia theo quy định của cấp có thẩm quyền;

      Những người làm đường, xây dựng các công trình trọng Điểm quốc gia theo quy định của cấp có thẩm quyền trong thời kỳ chiến tranh.

      h) Ngành Văn hóa, Thông tin và Truyền thông:

      Giám đốc bảo tàng cấp bộ, quốc gia;

      Đoàn trưởng Đoàn văn hóa nghệ thuật Trung ương và các chức vụ tương đương;

      Đạo diễn chính các chương trình, tác phẩm văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia;

      Người có danh hiệu nghệ sỹ nhân dân;

      Giám đốc trung tâm thể dục thể thao cấp quốc gia và các chức vụ tương đương;

      Trọng tài cấp quốc tế các môn thể thao;

      Huấn luyện viên trưởng, vận động viên các đội tuyển quốc gia đang trong thời gian chuẩn bị và tham gia thi đấu quốc tế.

      i) Các ngành: Điện, Than, Dầu mỏ, Khí đốt, Xăng dầu, Hóa chất:

      Những người làm việc trong các dây chuyền sản xuất, sửa chữa các sản phẩm quốc phòng trong thời kỳ chiến tranh;

      Người phụ trách bộ phận vận hành, sửa chữa lò, máy ở các nhà máy phát điện; người phụ trách bộ phận vận hành, sửa chữa đường dây và trạm biến thế của hệ thống cao áp thuộc các cơ sở phân phối và truyền tải điện;

      Năm mươi phần trăm kỹ sư hóa dầu trong các doanh nghiệp.

      k) Người đang làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học:

      Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học, Giám đốc và các chức vụ tương đương của: Trung tâm nghiên cứu khoa học, phòng thí nghiệm, trạm, trại nghiên cứu, trạm quan trắc, trạm thử nghiệm thuộc Chính phủ và các Bộ, ngành;

      Chủ nhiệm công trình nghiên cứu cấp Bộ, ngành, quốc gia, quốc tế;

      Người có trình độ tiến sỹ đang nghiên cứu khoa học đề tài cấp Bộ, ngành, quốc gia, quốc tế;

      Người có trình độ thạc sỹ hoặc nghiên cứu viên chính trở lên đang nghiên cứu trong các công trình khoa học cấp quốc gia, quốc tế;

      Người có học hàm giáo sư, phó giáo sư đang có công trình nghiên cứu khoa học.

      l) Người đang trực tiếp vẽ, in, đúc tiền;

      m) Người đang làm việc trong ngành cơ yếu;

      n) Ngành cơ khí, động lực: Những người làm việc trong các dây chuyền sản xuất, sửa chữa các sản phẩm quốc phòng;

      o) Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng doanh nghiệp có từ 350 lao động trở lên hoặc doanh nghiệp có từ 150 lao động đến dưới 350 lao động nhưng có tác động lớn đến hoạt động kinh tế của một vùng, một lĩnh vực kinh tế của đất nước; Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Giám đốc doanh nghiệp có từ 700 lao động trở lên; Phó Giám đốc, Chánh Thanh tra, Trưởng phòng và các chức vụ tương đương của doanh nghiệp có từ 1.400 lao động trở lên;

      Người có trình độ kỹ năng nghề bậc 5 hoặc tương đương trở lên thuộc các doanh nghiệp có từ 350 lao động trở lên.

      Trên đây là quy định về miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến đối với công dân đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.

      Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 14/2016/NĐ-CP' onclick="vbclick('4754E', '148125');" target='_blank'>Nghị định 14/2016/NĐ-CP.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn