Nhiệm vụ, quyền hạn của các Ủy viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 06/05/2022

Nhiệm vụ, quyền hạn của các Ủy viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính được quy định như thế nào? Mong được anh/chị hướng dẫn.

    • Nhiệm vụ chung của các Ủy viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính

      Căn cứ Khoản 1 Điều 8 Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định 51/QĐ-BCĐCCHC năm 2022 nhiệm vụ chung của các Ủy viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính được quy định như sau:

      a) Chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về kết quả các nhiệm vụ được phân công.

      b) Chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cơ quan nơi công tác trong thực hiện nhiệm vụ là Ủy viên Ban Chỉ đạo.

      c) Tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, chuẩn bị ý kiến đóng góp về các vấn đề thuộc nội dung chương trình họp của Ban Chỉ đạo.

      d) Báo cáo kịp thời công việc và ý kiến giải quyết của Ban Chỉ đạo cho Thủ trưởng cơ quan nơi công tác về các công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của bộ, ngành mình; đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo các chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch, chương trình của Chính phủ đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành.

      đ) Ký các văn bản theo nhiệm vụ được phân công hoặc ủy quyền và sử dụng con dấu của cơ quan mình.

      e) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Trưởng ban Chỉ đạo.

      Nhiệm vụ cụ thể của một số Ủy viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính

      Căn cứ Khoản 2 Điều này nhiệm vụ cụ thể của một số Ủy viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính như sau:

      a) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Tham mưu, giúp Trưởng ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh cải cách thể chế; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

      b) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Tài chính: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh cải cách tài chính công, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

      c) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Tham mưu giúp Trưởng Ban Chỉ đạo về biện pháp, giải pháp đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; cải cách thủ tục hành chính; thông báo kết luận, chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo.

      d) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Công an: Tham mưu giúp Trưởng Ban Chỉ đạo về biện pháp, giải pháp đẩy mạnh triển khai, vận hành, khai thác và cập nhật có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; nghiên cứu, đề xuất đổi mới công tác quản lý cư trú theo hướng hiện đại với lộ trình, bước đi phù hợp.

      đ) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Tham mưu giúp Trưởng Ban Chỉ đạo về biện pháp, giải pháp đẩy mạnh công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh, tiến tới kiểm soát tự động, thực hiện thủ tục trên môi trường điện tử tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu do bộ quản lý.

      e) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và những nội dung khác theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.

      g) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

      h) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Y tế: Tham mưu giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế; đổi mới chính sách bảo hiểm y tế.

      i) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

      k) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương đối với người lao động trong các loại hình doanh nghiệp, chính sách bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.

      l) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ; đổi mới sáng tạo; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

      m) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đổi mới cơ chế, chính sách và xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

      n) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam và Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam: Tham mưu, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền cải cách hành chính; xây dựng chuyên mục, chuyên trang về cải cách hành chính để tuyên truyền và tiếp nhận ý kiến phản hồi của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức về cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp.

      o) Nhiệm vụ của các Ủy viên Ban Chỉ đạo là Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Giúp Trưởng Ban Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh công tác theo dõi, giám sát, phản biện và tuyên truyền cải cách hành chính.

      p) Nhiệm vụ của Ủy viên Ban Chỉ đạo là Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo:

      - Tổng hợp, xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm của Ban Chỉ đạo trình Trưởng Ban Chỉ đạo phê duyệt.

      - Xây dựng kế hoạch kiểm tra của Trưởng Ban Chỉ đạo và các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo trình Trưởng Ban Chỉ đạo phê duyệt.

      - Là đầu mối duy trì liên hệ giữa các thành viên Ban Chỉ đạo trong triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

      - Chuẩn bị nội dung và các điều kiện để tổ chức các cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

      - Chuẩn bị các báo cáo, bài phát biểu và các tài liệu khác phục vụ các buổi làm việc của Trưởng ban, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

      - Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các cuộc kiểm tra, làm việc của các thành viên Ban Chỉ đạo với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức về công tác cải cách hành chính.

      - Tổ chức kiểm tra, theo dõi, đánh giá tình hình triển khai kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo và tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn