Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng được quy định như thế nào?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 22/11/2016

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng được quy định như thế nào? Em xin chào và chúc sức khoẻ các anh chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Gần đây, em có đọc báo trên mạng và được biết người đứng đầu Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng được gọi là Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng. Vậy những người này có nhiệm vụ, quyền hạn gì? Xin Ban biên tập tư vấn giúp, xin cảm ơn. Trần Thảo Trang (email: trang***@gmail.com, sdt: 098322****).

    • Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng đã được quy định cụ thể tại Điều 8 Nghị định 26/2014/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng.

      Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng được quy định như sau:

      1. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác thanh tra, giám sát trong phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

      2. Chủ trì xử lý việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; phối hợp với Chánh Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

      3. Ra quyết định thanh tra, thành lập đoàn thanh tra đối với đối tượng thanh tra ngân hàng thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc theo yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra; đề nghị Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh cử thanh tra viên ngân hàng, công chức khác tham gia đoàn thanh tra; trưng tập công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị có liên quan tham gia đoàn thanh tra.

      4. Quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra ngân hàng hoặc khi có dấu hiệu rủi ro đe dọa đến sự an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về quyết định của mình.

      5. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc khi có dấu hiệu rủi ro đe dọa đến sự an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, yêu cầu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh (trừ nơi có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng) tiến hành thanh tra đối với đối tượng thanh tra ngân hàng đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phân công thực hiện; trường hợp Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh không đồng ý thì có quyền ra quyết định thanh tra, báo cáo và chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về quyết định của mình.

      6. Xem xét xử lý hoặc đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý những vấn đề mà Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh không nhất trí với Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, giám sát được giao.

      7. Kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sai trái về thanh tra, giám sát của cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước.

      8. Kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải quyết vấn đề liên quan đến công tác thanh tra, giám sát; trường hợp kiến nghị về thanh tra không được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp nhận thì báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ.

      9. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình chỉ hoặc hủy bỏ quy định trái pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra, giám sát.

      10. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

      11. Kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra, giám sát hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, giám sát; yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật phát hiện qua thanh tra, giám sát hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, giám sát.

      12. Kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định theo thẩm quyền và tổ chức triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.

      13. Báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra trong phạm vi trách nhiệm được giao; báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về các mặt công tác khác của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

      14. Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

      15. Quyết định việc thanh tra viên ngân hàng, công chức khác thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tiến hành các cuộc làm việc, tiếp xúc trực tiếp đối tượng giám sát ngân hàng.

      16. Quyết định mức độ giám sát đối với các đối tượng giám sát ngân hàng, trừ trường hợp do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

      17. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật hoặc được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao.

      Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Nghị định 26/2014/NĐ-CP.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn