Nhiệm vụ, quyền hạn, hệ thống tổ chức của các cấp Tòa án

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 13/09/2016
Hiện nay hệ thống tổ chức Tòa án ở nước ta được quy định như thế nào? Nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp Tòa án?
    • Nhiệm vụ, quyền hạn, hệ thống tổ chức của các cấp Tòa án
      (ảnh minh họa)
    • Theo quy định tại Điều 3 Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 quy định tổ chức Tòa án nhân dân ở Việt Nam bao gồm:
      - Tòa án nhân dân tối cao.
      - Tòa án nhân dân cấp cao.
      - Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
      - Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
      - Tòa án quân sự.
      * Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân các cấp:
      a) Tòa án nhân dân tối cao:
      Theo quy định tại Điều 20, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định: Tòa án nhân dân Tối cao có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
      - Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của các Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
      - Giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp do luật định.
      - Tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
      - Đào tạo; bồi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm, các chức danh khác của Tòa án nhân dân.
      - Quản lý các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự về tổ chức theo quy định của Luật tổ chức TAND và các luật có liên quan, bảo đảm độc lập giữa các Tòa án.
      - Trình Quốc hội dự án luật, dự thảo nghị quyết; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết theo quy định của luật.
      b) Tòa án nhân dân cấp cao:
      Theo quy định tại Điều 20, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định: Tòa án nhân dân cấp cao có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
      - Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
      - Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
      c) Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là Tòa án nhân dân cấp tỉnh).
      Theo quy định tại Điều 37 Luật Tổ chức TAND năm 2014, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có các nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
      - Sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật.
      - Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
      - Kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, khi phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật tố tụng thì kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, kháng nghị.
      - Giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật.
      d) Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (gọi tắt là Tòa án nhân dân cấp huyện).
      Theo quy định tại Điều 44 Luật Tổ chức TAND năm 2014, Tòa án nhân dân cấp huyện có các nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
      - Sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật.
      - Giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật.
      e) Tòa án quân sự (Điều 49 Luật Tổ chức TAND năm 2014):
      - Các Tòa án quân sự được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam để xét xử những vụ án mà bị cáo là quân nhân tại ngũ và những vụ án khác theo quy định của luật.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn