Thạc sĩ bao nhiêu tuổi sẽ không được đăng ký tuyển chọn sĩ quan dự bị?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 20/01/2022

Cho tôi hỏi, bao nhiêu tuổi thì thạc sĩ sẽ không được đăng ký tuyển chọn sĩ quan dự bị? Mong được hỗ trợ theo quy định mới nhất. 

    • Thạc sĩ bao nhiêu tuổi sẽ không được đăng ký tuyển chọn sĩ quan dự bị?
      (ảnh minh họa)
    • Thạc sĩ bao nhiêu tuổi sẽ không được đăng ký tuyển chọn sĩ quan dự bị?

      Căn cứ Điểm b Khoản 2 Điều 4 Nghị định 78/2020/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn về tuổi đời của người đăng ký tuyển chọn sĩ quan dự bị như sau:

      Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ, hạ sĩ quan dự bị đã giữ chức phó trung đội trưởng hoặc cán bộ tiểu đội và tương đương; tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên, nếu thiếu, tuyển chọn đến tốt nghiệp trung học cơ sở, với người dân tộc thiểu số tuyển chọn trình độ học vấn lớp 7 trở lên; tuổi đời đối với quân nhân chuyên nghiệp không quá 35, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ và hạ sĩ quan dự bị không quá 30;

      Cán bộ, công chức, viên chức tuổi đời không quá 35; riêng đào tạo sĩ quan dự bị ngành y, dược, tuổi đời không quá 40; đào tạo sĩ quan dự bị chính trị phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam;

      Công dân tốt nghiệp đại học trở lên, tuổi đời không quá 35; sinh viên khi tốt nghiệp đại học, tuổi đời không quá 30.

      Như vậy, đối với trường hợp công dân tốt nghiệp đại học trở lên thì tuổi đời sẽ không qua 35 tuổi. Vì vậy, với trường hợp bạn đã có bằng thạc sỹ thì tuổi tối đa là 35 tuổi.

      Hồ sơ tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị

      Hồ sơ tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị được quy định tại Điều 7 Nghị định 78/2020/NĐ-CP như sau:

      - Hồ sơ tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị, gồm:

      + Bản sơ yếu lý lịch tự thuật, có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức nơi lao động, học tập, làm việc (đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, công dân tốt nghiệp đại học trở lên, sinh viên khi tốt nghiệp đại học và hạ sĩ quan dự bị); hồ sơ quân nhân (đối tượng là quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ);

      + Bản thẩm tra xác minh lý lịch;

      + Phiếu (giấy) khám sức khỏe;

      + Bản sao chụp các văn bằng, chứng chỉ, bản công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp hoặc bản sao của cấp có thẩm quyền.

      - Trách nhiệm lập hồ sơ tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị

      + Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện lập hồ sơ đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, công dân tốt nghiệp đại học trở lên và hạ sĩ quan dự bị; Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm cung cấp hồ sơ;

      + Cấp trung đoàn và tương đương trở lên lập hồ sơ đối tượng quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ;

      + Các học viện, trường đại học lập hồ sơ đối tượng sinh viên khi tốt nghiệp đại học.

      - Thời gian hoàn thành lập hồ sơ tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị của các cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này báo cáo cấp có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 6 Nghị định này là 30 ngày, trước ngày thông báo có mặt nhập học tại các học viện, nhà trường Quân đội.

      - Các học viện, nhà trường Quân đội được giao đào tạo sĩ quan dự bị, trong thời gian đào tạo có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ sĩ quan dự bị (hồ sơ gốc) trên cơ sở hồ sơ tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị, nội dung bổ sung, hoàn thiện gồm: Lý lịch sĩ quan dự bị, quyết định phong quân hàm sĩ quan dự bị, giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị và các giấy tờ khác có liên quan. Kết thúc khóa đào tạo, bàn giao hồ sơ về Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi sĩ quan dự bị cư trú hoặc lao động, làm việc.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn