Thế nào là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 08/01/2022

Thế nào là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Em là học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, Đà Nẵng. Hiện tại, em đang ôn thi môn Giáo dục công dân để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới. Tuy nhiên, một vài vấn đề em chưa nắm rõ, mong được anh chị giải đáp. Cho em hỏi theo quy định pháp luật, thế nào là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở? Và nếu vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác thì bị xử lý như thế nào ạ? Nội dung này em có thể xem thêm tại đâu? Rất mong Ban biên tập tư vấn giúp em. Cảm ơn các anh chị rất nhiều!

Hồ Huỳnh Thục Quyên (0167****)

    • Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở là một quyền Hiến định, được quy định tại Điều 22 Hiến pháp năm 2013. Theo đó:

      Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định.

      Khoản 1 Điều 2 Luật cư trú 2020 diễn giải khái niệm về chỗ ở hợp pháp của công dân như sau: Chỗ ở hợp pháp là nơi được sử dụng để sinh sống, thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của công dân, bao gồm nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện khác có khả năng di chuyển hoặc chỗ ở khác theo quy định của pháp luật.

      Việc khám chỗ ở chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong chỗ ở của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án (Khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng hình sự 2015).

      Như vậy, chỗ ở của một người là nơi người đó sống đời sống riêng thường ngày, cũng là nơi cất giữ những bí mật đời tư bao gồm bí mật của cá nhân và gia đình người đó. Kết hợp các quy định trên, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở có thể hiểu là quyền của mỗi công dân được toàn quyền cho phép hoặc không cho phép người khác vào nơi ở của mình.

      Về chế tài, người thực hiện hành vi vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác có khả năng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự xã hội theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Về hình thức xử phạt, tùy thuộc vào tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm mà người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp cảnh cáo, phạt tiền; bên cạnh đó còn có thể bị áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả với mức độ khác nhau.

      Trong trường hợp người thực hiện hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác mà gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản thì người thiệt hại được quyền yêu cầu người gây thiệt hại thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại tại Bộ luật dân sự 2015.

      Ngoài ra, nếu hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác hội tụ đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi còn có thể bị truy tố và xét xử về tội xâm phạm chỗ ở của công dân (Điều 158 Bộ luật hình sự 2015). Mức áp dụng hình phạt tùy thuộc vào tính chất, mức độ biểu hiện của hành vi phạm tội. Theo đó:

      1. Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

      2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

      a) Có tổ chức;

      b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

      c) Gây hậu quả nghiêm trọng.

      3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

      Như vậy, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân được pháp luật công nhận và bảo hộ, tuy nhiên đây không phải là quyền tuyệt đối. Nhà nước chỉ bảo hộ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở để chống lại sự xâm phạm bất hợp pháp của những cá nhân, tổ chức khác đối với chỗ ở hợp pháp của công dân; còn khi công dân lợi dụng quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở để che giấu hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật thì quyền này không còn được pháp luật bảo vệ.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn