Tinh giản lao động tại đơn vị sự nghiệp công lập?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 15/09/2016
Nơi tôi công tác là đơn vị sự nghiệp công lập, một số người được tuyển dụng vào làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn (không phải là hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP). Nay do yêu cầu đơn vị phải sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy và cả lý do kinh tế, thì số hợp đồng lao động không xác định thời hạn dôi dư có được hưởng chế độ chính sách theo Nghị định số 108/2015/NĐ-CP không, cách làm và giải quyết chế độ như thế nào? (Chị Dương Thu Phương, Cán bộ Trung tâm …, số điện thoại: 0912…196).
    • Trung tâm Tư vấn pháp luật và Huấn luyện an toàn lao động Công đoàn Quảng Ninh trả lời như sau:

      Căn cứ Điều 2 Nghị định số 108/2015/NĐ-CP, ngày 20/11/2014 của Chính phủ về Chính sách tinh giản biên chế, thì đối tượng áp dụng là: (1) Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã; (2) Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; (3) Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và theo các quy định khác của pháp luật…..

      Như vậy, các đối tượng thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động không thuộc Nghị định 68/2000/NĐ-CP thì không áp dụng chế độ chính sách theo Nghị định số 108/2015/NĐ-CP.

      Nếu các đối tượng này dôi dư thì thực hiện theo quy định tại Điều 44-Bộ luật lao động 2012 về “Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế”. Người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật lao động. Việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.

      Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.

      Trung tâm Tư vấn pháp luật và Huấn luyện an toàn lao động Công đoàn Quảng Ninh

      Điện thoại 0333.829961

      Đỗ Văn Khánh

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn