Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội những khu vực nào hiện nay cần được bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 24/12/2022

Xin cho hỏi trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, những khu vực nào hiện nay cần được bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa? Biểu tượng của Thủ đô Hà Nội là gì và Thủ đô Hà Nội có trách nhiệm như thế nào? Trách nhiệm của Quốc hội trong việc xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô Hà Nội là gì?

Mong nhận được giải đáp, tôi cảm ơn.

    • Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội những khu vực nào hiện nay cần được bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa?

      Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Luật Thủ đô 2012 có nêu về việc bảo tồn và phát triển văn hóa như sau:

      Bảo tồn và phát triển văn hóa
      1. Việc bảo tồn và phát triển văn hóa Thủ đô phải bảo đảm tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Thủ đô và của dân tộc, xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
      Các nguồn lực văn hóa trên địa bàn Thủ đô phải được quản lý, khai thác, sử dụng đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển văn hóa Thủ đô và cả nước.
      2. Các khu vực, di tích và di sản văn hóa sau đây phải được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa:
      a) Khu vực Ba Đình;
      b) Di tích Phủ Chủ tịch; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh; Di tích Hoàng Thành Thăng Long, Thành Cổ Loa; Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các di tích quốc gia đặc biệt khác trên địa bàn Thủ đô;
      c) Khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây;
      d) Phố cổ, làng cổ và làng nghề truyền thống tiêu biểu;
      đ) Biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954;
      e) Các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô.
      3. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành:
      a) Chính sách khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân vào việc xây dựng công trình văn hóa, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí và bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô;
      b) Danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và các giá trị văn hóa phi vật thể quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều này.

      Hiện nay các khu vực, di tích và di sản văn hóa cần được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đó là:

      - Khu vực Ba Đình;

      - Di tích Phủ Chủ tịch; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh; Di tích Hoàng Thành Thăng Long, Thành Cổ Loa; Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các di tích quốc gia đặc biệt khác trên địa bàn Thủ đô Hà Nội;

      - Khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây;

      - Phố cổ, làng cổ và làng nghề truyền thống tiêu biểu;

      - Biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954;

      - Các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô.

      Hình từ Internet

      Biểu tượng của Thủ đô Hà Nội là gì? Thủ đô Hà Nội có trách nhiệm như thế nào?

      Căn cứ tại Điều 6 Luật Thủ đô 2012 có quy định về biểu tượng của Thủ đô Hà Nội như sau:

      Biểu tượng của Thủ đô
      Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

      Theo đó, biểu tượng của Thủ đô Hà Nội là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

      Bên cạnh đó, theo Điều 5 Luật Thủ đô 2012 có quy định về trách nhiệm của Thủ đô Hà Nội, cụ thể như sau:

      Trách nhiệm của Thủ đô
      1. Xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước.
      2. Bảo đảm an toàn, thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và cho việc tổ chức các chương trình, sự kiện quốc gia, quốc tế trên địa bàn Thủ đô.
      3. Chủ động phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô và cả nước thông qua việc mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác cùng phát triển.
      4. Chủ động, tích cực mở rộng quan hệ, hợp tác hữu nghị với thủ đô các nước, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để xây dựng, phát triển Thủ đô; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, nhân dân Thủ đô tham gia các hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, khoa học và công nghệ.

      Như vậy, trên đây quy định 04 trách nhiệm của Thủ đô Hà Nội.

      Trách nhiệm của Quốc hội trong việc xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô Hà Nội là gì?

      Theo Điều 22 Luật Thủ đô 2012 có quy định về trách nhiệm của Quốc hội như sau:

      Trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội
      1. Quốc hội quyết định ngân sách đặc thù cho Thủ đô quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 21 của Luật này; giám sát tối cao việc thi hành và định kỳ 3 năm xem xét Báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thủ đô.
      Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thi hành Luật Thủ đô.
      2. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo về việc thi hành Luật Thủ đô.

      Theo đó, Quốc hội quyết định ngân sách đặc thù cho Thủ đô quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 21 Luật Thủ đô 2012. Ngoài ra thực hiện giám sát tối cao việc thi hành và định kỳ 3 năm xem xét Báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thủ đô.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn