Viên chức được phép mang hai quốc tịch có đúng không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 10/08/2022

Viên chức được phép mang hai quốc tịch có đúng không? Viên chức có chức danh nghề nghiệp nào thì chế độ tập sự chỉ 3 tháng? Viên chức được cử biệt phái đến vùng ĐBKK thì đơn vị nào sẽ chi trả trợ cấp lần đầu?

    • Viên chức được phép mang hai quốc tịch có đúng không?

      Tôi hiện đang là viên chức nhà nước. Con tôi hiện đang làm việc ở Úc, nó muốn tôi khi nào nghỉ việc qua đó sống. Nên nói tôi nộp hồ sơ xin quốc tịch Úc, sau này đi lại cho thuận tiện hơn. Liệu khi làm viên chức thi có thể có 2 quốc tịch được hay không?

      Trả lời:

      Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật viên chức 2010 quy định về điều kiện tuyển dụng viên chức như sau:

      Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển viên chức:

      a) Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;

      b) Từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn theo quy định của pháp luật; đồng thời, phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật;

      c) Có đơn đăng ký dự tuyển;

      d) Có lý lịch rõ ràng;

      đ) Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm;

      e) Đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ;

      g) Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

      Như vậy, có thể thấy, với viên chức thì chỉ cần có quốc tịch Việt Nam và đang cư trú tại Việt Nam thì có thể thi tuyển viên chức. Và khi vào viên chức cũng không có quy định nào bắt buộc chỉ có 1 quốc tịch Việt Nam. Vậy nên, viên chức có thể có 2 quốc tịch.

      Viên chức có chức danh nghề nghiệp nào thì chế độ tập sự chỉ 3 tháng?

      Luật viên chức hiện hành có quy định thời gian tập sự từ 03 tháng đến 12 tháng và phải được quy định trong hợp đồng làm việc. Như vậy, viên chức có chức danh nghề nghiệp nào thì chế độ tập sự chỉ yêu cầu 3 tháng?

      Trả lời:

      Đúng như bạn đề cập Khoản 2 Điều 27 Luật viên chức 2010 có quy định:

      Thời gian tập sự từ 03 tháng đến 12 tháng và phải được quy định trong hợp đồng làm việc.

      Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về thời gian tập sự như sau:

      - 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học. Riêng đối với chức danh nghề nghiệp bác sĩ là 09 tháng;

      - 09 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng;

      - 06 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo trung cấp.

      Như vậy, thời gian tập sự ngắn nhất cũng là 06 tháng đối với chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo trung cấp. Quy định hiện nay cũng không có trường hợp chức danh nghề nghiệp nào yêu cầu tập sự dưới 06 tháng cả. Cho nên trường hợp chế độ tập sự 03 tháng đối với viên chức là không có.

      Viên chức được cử biệt phái đến vùng ĐBKK thì đơn vị nào sẽ chi trả trợ cấp lần đầu?

      Viên chức được cử biệt phái đến vùng đặc biệt khó khăn thì đơn vị nào sẽ chi trả trợ cấp lần đầu? Nhờ hỗ trợ quy định giúp.

      Trả lời:

      Khoản 5 Điều 36 Luật viên chức 2010 có quy định: Viên chức được cử biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

      Cụ thể trường hợp này viên chức sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP, có bao gồm trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

      Điểm b Khoản 2 Điều 15 Nghị định 76/2019/NĐ-CP có quy định về trách nhiệm chi trả chính sách như sau:

      Đối với trợ cấp lần đầu nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận đối tượng nhận công tác chi trả. Trường hợp biệt phái thì cơ quan, tổ chức, đơn vị cử biệt phái chi trả.

      Như vậy, viên chức được cử biệt phái đến vùng đặc biệt khó khăn thì đối với trợ cấp lần đầu nhận công tác ở đây sẽ do cơ quan, tổ chức, đơn vị cử biệt phái chi trả trợ cấp theo quy định.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn