Viên chức sinh con thứ 3 bị kỷ luật dưới hình thức nào?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 12/07/2022

Viên chức sinh con thứ 3 bị kỷ luật dưới hình thức nào? Có trường hợp nào viên chức sinh con thứ 3 mà không bị kỷ luật không?

Chào Ban biên tập, em có vấn đề này cần được giải đáp ạ. Bố của em là bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Mẹ bảo bố là viên chức mà viên chức thì không được sinh con thứ 3, nếu sinh con thứ 3 là bị kỷ luật. Em thắc mắc là viên chức mà sinh con thứ 3 thì bị kỷ luật như nào ấy ạ?

Rất mong Ban biên tập giải đáp vấn đề này giúp em, em xin chân thành cảm ơn.

    • Viên chức sinh con thứ 3 bị kỷ luật dưới hình thức nào?

      Căn cứ Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với viên chức như sau:

      Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định này, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

      1. Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp, đã được cấp có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản;

      2. Vi phạm quy định của pháp luật về: thực hiện chức trách, nhiệm vụ của viên chức; kỷ luật lao động; quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản;

      3. Lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi; có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với nhân dân trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao; xác nhận hoặc cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp;

      4. Không chấp hành quyết định phân công công tác của cấp có thẩm quyền; không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng; gây mất đoàn kết trong đơn vị;

      5. Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

      6. Vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;

      7. Vi phạm quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;

      8. Vi phạm quy định của pháp luật về: đầu tư, xây dựng; đất đai, tài nguyên môi trường; tài chính, kế toán, ngân hàng; quản lý, sử dụng tài sản công trong quá trình hoạt động nghề nghiệp;

      9. Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức.

      Như vậy, theo quy định trên viên chức sinh con thứ 3 thì sẽ bị kỷ luật theo hình thức khiển trách. Nếu bố mẹ em mà sinh thêm con thứ 3 thì bố của em sẽ bị bệnh viện khiển trách.

      Có trường hợp nào viên chức sinh con thứ 3 mà không bị kỷ luật không?

      Tại Điều 10 Pháp lệnh dân số 2003 được sửa đổi bởi Điều 1 Pháp lệnh 08/2008/PL-UBTVQH12 quy định về quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình như sau:

      1. Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con;

      2. Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định;

      3. Bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản.

      Theo Điều 2 Nghị định 20/2010/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 18/2011/NĐ-CP quy định những trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con:

      1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

      2. Cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.

      3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

      4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

      5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.

      6. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):

      a) Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ);

      b) Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.

      Do đó, viên chức nếu thuộc các trường hợp theo pháp luật đã được nêu trên thì sẽ bị kỷ luật vì sinh con thứ 3.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn