Viên chức vi phạm kỷ luật lần đầu có bị buộc thôi việc?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 31/12/2021

Viên chức vi phạm kỷ luật lần đầu có bị buộc thôi việc? Có trường hợp nào viên chức chỉ mới có hành vi vi phạm lần đầu nhưng bị xử lý kỷ luật với hình thức nặng nhất là buộc thôi việc hay không?

    • Viên chức vi phạm kỷ luật lần đầu có bị buộc thôi việc?

      Theo Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức quy định như sau:

      Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

      - Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với viên chức quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý mà tái phạm;

      - Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định này;

      - Viên chức quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định này;

      - Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;

      - Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có xác nhận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền.

      Như vậy, theo quy định như trên viên chức có hành vi vi phạm kỷ luật lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì vẫn có thể bị xử lý kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.

      Xác định mức độ vi phạm của viên chức như thế nào?

      Căn cứ Khoản 2 Điều 5 Nghị định này có quy định mức độ của hành vi vi phạm được xác định như sau:

      - Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

      - Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

      - Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

      - Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

      Như vậy, để xác định tính chất mức độ vi phạm của viên chức cần xét tới tác hại của hành vi đối với nội bộ hoặc xã hội, mức độ ảnh hưởng đến dư luận và nội bộ, mức độ thiệt hại về uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn