Doanh nghiệp viễn thông di động không kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu của Bộ Công an bị xử phạt như thế nào?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 15/03/2023

Xin hỏi xử phạt doanh nghiệp viễn thông di động không kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu của Bộ Công an thế nào? - Câu hỏi của Thanh Huỳnh (Nam Định).

    • Doanh nghiệp viễn thông di động không kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu của Bộ Công an bị xử phạt như thế nào?

      Căn cứ điểm đ khoản 10, điểm c khoản 13 Điều 33 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định như sau:

      Vi phạm các quy định về giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao

      ...

      10. Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với doanh nghiệp viễn thông di động khi vi phạm một trong các hành vi sau:

      a) Không xây dựng hệ thống kỹ thuật, cơ sở dữ liệu tập trung để nhập, lưu giữ, quản lý thông tin thuê bao;

      b) Cơ sở dữ liệu tập trung không có đầy đủ các thông tin thuê bao theo quy định hoặc thiếu một trong các trường thông tin sau: ngày bắt đầu sử dụng dịch vụ, trạng thái hoạt động, số lượng thuê bao mà cá nhân, tổ chức đang sử dụng, ngày chấm dứt sử dụng dịch vụ;

      c) Không lưu giữ hoặc lưu giữ không đầy đủ thông tin thuê bao trong suốt thời gian sử dụng dịch vụ của thuê bao hoặc không lưu giữ thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tối thiểu 02 năm đối với các thuê bao đã chấm dứt sử dụng dịch vụ hoặc đã chuyển quyền sử dụng dịch vụ cho cá nhân, tổ chức khác;

      d) Không thực hiện rà soát, kiểm tra thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tập trung theo quy trình nội bộ;

      đ) Không kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc của Bộ Công an;

      ...

      13. Hình thức xử phạt bổ sung:

      ...

      c) Đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 9 và 10 Điều này;

      ...

      Tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền như sau:

      Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức

      ...

      3. Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

      ...

      Theo đó, doanh nghiệp viễn thông di động không kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông bị phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

      Đồng thời, doanh nghiệp viễn thông di động sẽ bị đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới từ 01 tháng đến 03 tháng.

      (Hình từ Internet)

      Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm như thế nào?

      Tại khoản 8 Điều 15 Nghị định 25/2011/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP quy định như sau:

      +) Bảo đảm các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông tuân thủ đầy đủ. Hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin thuê bao được đối chiếu, nhập, lưu giữ, quản lý đúng quy định tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông;

      +) Xây dựng hệ thống kỹ thuật, cơ sở dữ liệu tập trung để nhập, lưu giữ, quản lý thông tin trong suốt thời gian sử dụng dịch vụ của thuê bao, bao gồm:

      ++ Thông tin thuê bao;

      ++ Ngày bắt đầu sử dụng dịch vụ của thuê bao;

      ++ Trạng thái hoạt động của thuê bao: đang hoạt động, tạm dừng dịch vụ một chiều (chỉ nhận được cuộc gọi đến) hoặc tạm dừng dịch vụ hai chiều (không thực hiện được cuộc gọi đi và không nhận được cuộc gọi đến);

      ++ Số lượng số thuê bao mà cá nhân, tổ chức đang sử dụng;

      ++ Ngày chấm dứt sử dụng dịch vụ (đối với các thuê bao đã chấm dứt sử dụng dịch vụ hoặc đã chuyển quyền sử dụng).

      Đối với các thuê bao đã chấm dứt sử dụng dịch vụ hoặc đã chuyển quyền sử dụng dịch vụ cho cá nhân, tổ chức khác phải tiếp tục lưu giữ thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tối thiểu 2 năm;

      +) Kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an theo quy định của pháp luật;

      +) Cung cấp đầy đủ thông tin; chứng minh thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tập trung của mình đã được đối chiếu, nhập, lưu giữ, quản lý theo đúng các quy định; bố trí nhân sự, phương tiện kỹ thuật tại chi nhánh của doanh nghiệp ở địa phương để phục vụ việc kiểm tra, thanh tra thông tin thuê bao của các thuê bao đã giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại địa phương khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;

      +) Xây dựng, tổ chức, thực hiện quy trình nội bộ để thường xuyên rà soát, kiểm tra, bảo đảm thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tập trung của mình tuân thủ đúng quy định;

      +) Đối với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

      Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.

      Tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều đồng thời thông báo thuê bao sẽ được thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.

      Thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện;

      Nguyên tắc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích là gì?

      Theo khoản 1 Điều 14 Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định nguyên tắc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích như sau:

      +) Phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, phổ cập dịch vụ viễn thông trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung ưu tiên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn và các khu vực mà doanh nghiệp viễn thông không có khả năng kinh doanh hiệu quả theo cơ chế thị trường;

      +) Bảo đảm quyền truy nhập dịch vụ bình đẳng, hợp lý cho mọi người dân, đồng thời theo từng thời kỳ, Nhà nước có chính sách ưu tiên hỗ trợ cung cấp thiết bị đầu cuối và dịch vụ viễn thông công ích cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách xã hội và các đối tượng chính sách đặc biệt khác;

      +) Việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, thiết bị đầu cuối và cung cấp dịch vụ viễn thông công ích được thực hiện thông qua doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, doanh nghiệp sản xuất thiết bị đầu cuối hoặc trực tiếp tới người sử dụng dịch vụ viễn thông.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn