Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 04/05/2018

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Hữu Quốc. Hiện tại tôi đang tìm hiểu về quy định pháp luật về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cho tôi hỏi, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn!

Hữu Quốc (huuquoc*****@gmail.com)

    • Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thì chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao được quy định cụ thể như sau:

      1. Hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng:

      a) Mức hỗ trợ: 80% kinh phí thực hiện, nhưng không quá 300 triệu đồng/đề tài/bản quyền/công nghệ.

      b) Điều kiện hỗ trợ

      - Doanh nghiệp có doanh thu năm trước tối thiểu bằng 10 lần mức hỗ trợ.

      - Các bản quyền, công nghệ doanh nghiệp đề xuất mua phải phù hợp với định hướng phát triển sản xuất của doanh nghiệp đã đăng ký.

      - Trường hợp đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong thực tế thì được thanh toán bằng mức hỗ trợ; trường hợp không được áp dụng trong thực tế thì được thanh toán bằng 50% mức hỗ trợ.

      2. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm phục vụ áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao, sản xuất sản phẩm mới:

      a) Ưu tiên doanh nghiệp tham gia, chủ trì các dự án, nhiệm vụ (sau đây gọi là dự án) khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

      - Doanh nghiệp được mời tham gia phối hợp thực hiện các nội dung của dự án khoa học công nghệ hoặc xây dựng mô hình thuộc nhiệm vụ khoa học công nghệ triển khai tại địa phương doanh nghiệp đăng ký kinh doanh;

      - Đề xuất đặt hàng dự án của doanh nghiệp được xem xét ưu tiên phê duyệt triển khai thực hiện theo hình thức xét chọn hoặc giao trực tiếp;

      - Doanh nghiệp có nguồn gen quý hiếm được ưu tiên thực hiện dự án quỹ gen cấp quốc gia để phát triển thành sản phẩm thương mại.

      b) Mức hỗ trợ: 70% kinh phí thực hiện nhiệm vụ đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư và 50% kinh phí đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư nhưng không quá 01 tỷ đồng.

      c) Điều kiện hỗ trợ

      - Dự án sản xuất sản phẩm thử nghiệm, sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm mới có văn bản thống nhất của cơ quan quản lý khoa học thuộc cấp bộ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

      - Nhiệm vụ đề xuất hỗ trợ có nội dung phù hợp với định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

      3. Doanh nghiệp được giao toàn bộ quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sau khi các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được nghiệm thu và ưu tiên triển khai sản phẩm khoa học công nghệ:

      a) Doanh nghiệp chủ trì đề tài khoa học và công nghệ, dự án có sử dụng ngân sách nhà nước chọn, tạo được giống cây trồng, vật nuôi, khi kết thúc dự án nghiệm thu từ mức đạt trở lên được phép triển khai nhân rộng trong thời gian 03 năm kể từ khi kết thúc dự án nghiệm thu.

      b) Doanh nghiệp chủ trì đề tài khoa học và công nghệ, dự án có sử dụng ngân sách nhà nước tạo ra các sản phẩm mới được thị trường chấp nhận, khi kết thúc nhiệm vụ nghiệm thu từ mức đạt trở lên được phép triển khai nhân rộng trong thời gian 02 năm kể từ khi kết thúc dự án nghiệm thu.

      c) Doanh nghiệp chủ trì đề tài khoa học và công nghệ, dự án có sử dụng ngân sách nhà nước, có phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025, các kết quả kiểm nghiệm về tiêu chuẩn sản phẩm của doanh nghiệp được chấp nhận khi đăng ký lưu hành sản phẩm tại các cơ quan chức năng theo chuyên môn.

      4. Doanh nghiệp có dự án nhân giống cây trồng bằng công nghệ nuôi cấy mô được hỗ trợ như sau:

      a) Mức hỗ trợ 80% kinh phí đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị và xử lý môi trường, nhưng không quá 05 tỷ đồng/dự án.

      b) Điều kiện hỗ trợ: Quy mô từ 01 triệu cây/năm trở lên. Trường hợp quy mô dự án tăng thì mức hỗ trợ tăng tương ứng nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án.

      5. Doanh nghiệp có dự án sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, trồng thử nghiệm cây trồng mới có giá trị kinh tế cao được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt được hỗ trợ 70% chi phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị và xử lý môi trường, cây giống nhưng không quá 03 tỷ đồng/dự án.

      6. Doanh nghiệp đầu tư các khu, vùng, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/ha để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị và xử lý môi trường.

      Trên đây là nội dung tư vấn về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 57/2018/NĐ-CP.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn