Xử lý tình huống tranh chấp trong đấu thầu mua sắm theo Hiệp định CPTPP?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 22/10/2022

Xử lý tình huống tranh chấp trong đấu thầu mua sắm theo Hiệp định CPTPP? Xử lý vi phạm, giải quyết kiến nghị và tranh chấp trong đấu thầu theo Hiệp định CPTPP? Quản lý nhà thầu mua sắm gói thầu theo Hiệp định CPTPP?

Mong anh chị Luật sư tư vấn. Tôi cảm ơn. 

    • Xử lý tình huống tranh chấp trong đấu thầu mua sắm theo Hiệp định CPTPP?
      (ảnh minh họa)
    • 1. Xử lý tình huống tranh chấp trong đấu thầu mua sắm theo Hiệp định CPTPP?

      Tại Điều 97 Nghị định 95/2020/NĐ-CP quy định được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 09/2022/NĐ-CP quy định xử lý tình huống, theo đó:

      1. Trường hợp có lý do cần điều chỉnh giá gói thầu hoặc nội dung gói thầu, phải điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo các quy định của pháp luật trước thời điểm mở thầu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 7 Điều này.

      2. Trường hợp dự toán được phê duyệt của gói thầu cao hơn hoặc thấp hơn giá gói thầu ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt thì dự toán đó sẽ thay thế giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc sau đây:

      a) Trường hợp dự toán được duyệt cao hơn giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng bảo đảm giá trị cao hơn đó không làm vượt tổng mức đầu tư của dự án, dự toán mua sắm được duyệt thì không phải điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trường hợp giá trị cao hơn đó làm vượt tổng mức đầu tư của dự án, dự toán mua sắm được duyệt thì phải điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu; nếu hình thức lựa chọn nhà thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt không còn phù hợp thì phải điều chỉnh hình thức lựa chọn nhà thầu;

      b) Trường hợp dự toán được duyệt thấp hơn giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu mà không làm thay đổi hình thức lựa chọn nhà thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt thì không phải điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu; trường hợp cần điều chỉnh hình thức lựa chọn nhà thầu cho phù hợp với giá trị mới của gói thầu theo dự toán được duyệt thì phải tiến hành điều, chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

      3. Trường hợp sau khi lựa chọn danh sách ngắn, chỉ có ít hơn 03 nhà thầu đáp ứng yêu cầu thì căn cứ điều kiện cụ thể của gói thầu xử lý theo một trong hai cách sau đây:

      a) Tiến hành lựa chọn bổ sung nhà thầu vào danh sách ngắn;

      b) Cho phép phát hành ngay hồ sơ mời thầu cho nhà thầu trong danh sách ngắn.

      4. Trường hợp tại thời điểm đóng thầu đối với gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi có ít hơn 03 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm thì phải xem xét, giải quyết trong thời hạn không quá 04 giờ, kể từ thời điểm đóng thầu theo một trong hai cách sau đây:

      a) Cho phép gia hạn thời điểm đóng thầu nhằm tăng thêm số lượng nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm. Trong trường hợp này phải quy định rõ thời điểm đóng thầu mới và các thời hạn tương ứng để nhà thầu có đủ thời gian sửa đổi hoặc bổ sung hồ sơ dự thầu, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm đã nộp theo yêu cầu mới;

      b) Cho phép mở thầu ngay để tiến hành đánh giá.

      5. Trường hợp gói thầu được chia thành nhiều phần thì thực hiện theo các quy định sau đây:

      a) Trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu cần nêu rõ điều kiện chào thầu, biện pháp và giá trị bảo đảm dự thầu cho từng phần hoặc nhiều phần và phương pháp đánh giá đối với từng phần hoặc nhiều phần để các nhà thầu tính toán phương án chào thầu theo khả năng của mình;

      b) Việc đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và xét duyệt trúng thầu sẽ được thực hiện trên cơ sở bảo đảm tổng giá đề nghị trúng thầu của gói thầu là thấp nhất (đối với gói thầu áp dụng phương pháp giá thấp nhất); tổng giá đánh giá của gói thầu là thấp nhất (đối với gói thầu áp dụng phương pháp giá đánh giá); tổng điểm tổng hợp cao nhất (đối với gói thầu áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá) và giá đề nghị trúng thầu của cả gói thầu không vượt giá gói thầu được duyệt mà không so sánh với ước tính chi phí của từng phần;

      c) Trường hợp có một phần hoặc nhiều phần thuộc gói thầu không có nhà thầu tham gia đấu thầu hoặc không có nhà thầu đáp ứng yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, chủ đầu tư báo cáo người có thẩm quyền để điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu của gói thầu theo hướng tách các phần đó thành gói thầu riêng với giá gói thầu là tổng chi phí ước tính tương ứng của các phần; việc lựa chọn nhà thầu đối với các phần có nhà thầu tham gia và được đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật vẫn phải bảo đảm nguyên tắc đánh giá theo quy định tại điểm b khoản này;

      d) Trường hợp 01 nhà thầu trúng thầu tất cả các phần thì gói thầu có 01 hợp đồng. Trường hợp nhiều nhà thầu trúng thầu các phần khác nhau thì gói thầu có nhiều hợp đồng.

      6. Trường hợp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất có đơn giá thấp khác thường, ảnh hưởng đến chất lượng gói thầu thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu giải thích, làm rõ bằng văn bản về tính khả thi của đơn giá khác thường đó. Nếu sự giải thích của nhà thầu không đủ rõ, không có tính thuyết phục thì không chấp nhận đơn giá chào thầu đó, đồng thời coi đây là sai lệch và thực hiện hiệu chỉnh sai lệch theo quy định như đối với nội dung chào thiếu của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo quy định tại Điều 41 của Nghị định này. Việc hiệu chỉnh sai lệch chỉ nhằm mục đích so sánh các hồ sơ dự thầu.

      7. Trường hợp giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của tất cả các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và nằm trong danh sách xếp hạng đều vượt giá gói thầu đã duyệt thì xem xét xử lý theo một trong các cách sau đây:

      a) Cho phép các nhà thầu này được chào lại giá dự thầu nếu giá gói thầu đã bao gồm đầy đủ các yếu tố cấu thành chi phí thực hiện gói thầu;

      b) Cho phép đồng thời với việc các nhà thầu chào lại giá dự thầu, bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét lại gia gói thầu, nội dung hồ sơ mời thầu đã duyệt, nếu cần thiết.

      Trường hợp cho phép các nhà thầu được chào lại giá dự thầu thì cần quy định rõ thời gian chuẩn bị và nộp hồ sơ chào lại giá dự thầu nhưng không quá 10 ngày, kể từ ngày bên mời thầu gửi văn bản đề nghị chào lại giá dự thầu cũng như quy định rõ việc mở các hồ sơ chào lại giá dự thầu theo quy trình mở thầu quy định tại Điều 52 của Nghị định này. Trường hợp cần điều chỉnh giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt thì người có thẩm quyền có trách nhiệm phê duyệt điều chỉnh trước ngày mở hồ sơ chào lại giá dự thầu nhưng tối đa là 10 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị điều chỉnh song phải bảo đảm trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ chào lại giá dự thầu.

      8. Trường hợp giá đề nghị trúng thầu thấp dưới 50% giá gói thầu được duyệt thì được phép thành lập tổ thẩm định liên ngành để yêu cầu nhà thầu làm rõ các yếu tố cấu thành chi phí chào thầu, xem xét các bằng chứng liên quan theo hướng sau đây:

      a) Các yếu tố kinh tế liên quan đến biện pháp thi công, quy trình sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ;

      b) Giải pháp kinh tế được áp dụng hoặc các lợi thế đặc biệt của nhà thầu dẫn đến lợi thế về giá cả;

      c) Nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ, nhân sự cung cấp cho gói thầu, trong đó phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật;

      Trường hợp thỏa mãn được các điều kiện quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu vẫn được chấp nhận trúng thầu. Trường hợp để đề phòng rủi ro, chủ đầu tư có thể quy định giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng lớn hơn 10% nhưng không quá 30% giá trúng thầu và phải được người có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản. Nhà thầu nhận được sự trợ cấp của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng thì hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu sẽ bị loại.

      9. Trường hợp trong hồ sơ mời thầu quy định nhà thầu được đề xuất biện pháp thi công khác với biện pháp thi công nêu trong hồ sơ mời thầu, phần sai khác giữa khối lượng công việc theo biện pháp thi công nêu trong hồ sơ mời thầu và khối lượng công việc theo biện pháp thi công do nhà thầu đề xuất sẽ không bị hiệu chỉnh sai lệch theo quy định tại Điều 41 của Nghị định này. Phần sai khác này không bị tính là sai lệch thiếu.

      10. Trường hợp nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng, không còn năng lực để tiếp tục thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của gói thầu thì chủ đầu tư xem xét, báo cáo người có thẩm quyền quyết định cho phép chấm dứt hợp đồng với nhà thầu đó, phần khối lượng công việc chưa thực hiện được áp dụng hình thức chỉ định thầu với giá trị phần khối lượng công việc chưa thực hiện giao cho nhà thầu mới được tính bằng giá trị ghi trong hợp đồng trừ đi giá trị của phần khối lượng công việc đã thực hiện trước đó. Người có thẩm quyền phải bảo đảm nhà thầu được chỉ định có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu. Trường hợp không áp dụng hình thức chỉ định thầu thì hình thành gói thầu mới để tổ chức lựa chọn nhà thầu. Trường hợp việc thực hiện hợp đồng chậm tiến độ không do lỗi của nhà thầu thì không được phép chấm dứt hợp đồng để thay thế nhà thầu khác. Trường hợp phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm để thay thế nhà thầu mới, trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm, chủ đầu tư phải gửi thông báo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, đăng tải thông tin nhà thầu vi phạm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; trong thông báo phải nêu rõ lý do nhà thầu vi phạm dẫn tới phải chấm dứt hợp đồng, hình thức lựa chọn nhà thầu thay thế, tên nhà thầu được chỉ định trong trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu.

      11. Trường hợp nhà thầu đang trong quá trình tham dự thầu, thực hiện hợp đồng nhưng bị sáp nhập hoặc chia tách thì được xem xét, quyết định việc cho phép nhà thầu đã bị sáp nhập hoặc chia tách đó tiếp tục tham gia đấu thầu, thực hiện hợp đồng.

      12. Trường hợp tại thời điểm ký kết hợp đồng, nhà thầu trúng thầu không đáp ứng điều kiện về năng lực kỹ thuật, tài chính quy định tại khoản 2 Điều 82 của Nghị định này thì mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo hợp đồng. Trong trường hợp này, nhà thầu được mời vào thương thảo hợp đồng phải khôi phục lại hiệu lực của hồ sơ dự thầu và bảo đảm dự thầu trong trường hợp hồ sơ dự thầu hết hiệu lực và bảo đảm dự thầu của nhà thầu đã được hoàn trả hoặc giải tỏa.

      13. Trường hợp sau khi đánh giá, có nhiều nhà thầu được đánh giá tốt nhất, ngang nhau thì xử lý như sau:

      a) Trao thầu cho nhà thầu có điểm kỹ thuật cao hơn đối với trường hợp gói thầu áp dụng phương pháp giá thấp nhất;

      b) Trao thầu cho nhà thầu có giá đề nghị trúng thầu thấp hơn đối với gói thầu áp dụng phương pháp giá đánh giá hoặc phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá.

      14. Trường hợp dự toán được duyệt sau khi có kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự toán này sẽ thay thế giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu làm căn cứ xác định gói thầu có thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này

      15. Trường hợp khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu không thể xác định giá trị ước tính tối đa của một gói thầu trong toàn bộ thời gian thực hiện thì gói thầu đó thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, trừ trường hợp được loại trừ theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị định này.

      16. Trường hợp đổi tên, chia, tách cơ quan mua sắm liệt kê tại các Phụ lục I, II và III kèm theo Nghị định này thì đơn vị mới sau khi đổi tên, chia, tách được coi là thuộc các Phụ lục này.

      Trường hợp cơ quan mua sắm liệt kê tại các Phụ lục I, II và III kèm theo Nghị định này bị sáp nhập, hợp nhất thì gói thầu của đơn vị sau sáp nhập, hợp nhất nhằm mục đích thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị trước khi sáp nhập, hợp nhất phải thực hiện theo Nghị định này.

      Trường hợp đơn vị trực thuộc cơ quan mua sắm liệt kê tại các Phụ lục I, II và III kèm theo Nghị định này được chuyển sang cơ quan khác quản lý, đơn vị đó vẫn thuộc các Phụ lục này.

      17. Ngoài trường hợp nêu tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15 và 16 Điều này, khi phát sinh tình huống thì cơ quan mua sắm xem xét, quyết định trên cơ sở bảo đảm các mục tiêu của đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

      18. Trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Nghị định này thì người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu trên cơ sở phù hợp với Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định tại khoản này.

      2. Xử lý vi phạm, giải quyết kiến nghị và tranh chấp trong đấu thầu theo Hiệp định CPTPP?

      Theo Điều 98 Nghị định 95/2020/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm, giải quyết kiến nghị và tranh chấp trong đấu thầu:

      Việc xử lý vi phạm, giải quyết kiến nghị và tranh chấp trong đấu thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành.

      3. Quản lý nhà thầu mua sắm gói thầu theo Hiệp định CPTPP?

      Căn cứ Điều 99 Nghị định 95/2020/NĐ-CP quy định quản lý nhà thầu, cụ thể như sau:

      1. Quản lý nhà thầu nước ngoài:

      a) Sau khi được lựa chọn để thực hiện các gói thầu trên lãnh thổ Việt Nam, nhà thầu nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về nhập cảnh, xuất cảnh; nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa; đăng ký tạm trú, tạm vắng; chế độ kế toán, thuế và các quy định khác của pháp luật Việt Nam liên quan, trừ trường hợp có quy định khác trong điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết;

      b) Trong vòng 15 ngày, kể từ ngày hợp đồng ký kết với nhà thầu nước ngoài có hiệu lực, chủ đầu tư các dự án có trách nhiệm gửi báo cáo bằng văn bản về thông tin nhà thầu trúng thầu đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ quản lý ngành và Sở Kế hoạch và Đầu tư ở địa phương nơi triển khai dự án để tổng hợp và theo dõi;

      c) Nhà thầu nước ngoài được lựa chọn theo quy định của Nghị định này không phải xin cấp giấy phép thầu.

      2. Quản lý đối với nhà thầu phụ:

      a) Nhà thầu chính được ký kết hợp đồng với các nhà thầu phụ trong danh sách các nhà thầu phụ nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất. Việc sử dụng nhà thầu phụ sẽ không làm thay đổi các nghĩa vụ của nhà thầu chính. Nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm về khối lượng, chất lượng, tiến độ và các trách nhiệm khác đối với phần công việc do nhà thầu phụ thực hiện;

      b) Nhà thầu chính không được sử dụng nhà thầu phụ cho công việc khác ngoài công việc đã kê khai sử dụng nhà thầu phụ nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; việc thay thế, bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất chỉ được thực hiện khi được chủ đầu tư chấp thuận;

      c) Nhà thầu chính chịu trách nhiệm lựa chọn, sử dụng các nhà thầu phụ có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện các công việc được giao. Trường hợp là nhà thầu phụ quan trọng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, việc đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu phụ được thực hiện theo quy định nêu trong hồ sơ mời thầu;

      d) Nhà thầu chính chịu trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng tiến độ cho nhà thầu phụ theo đúng thỏa thuận giữa nhà thầu chính với nhà thầu phụ.

      3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu nhà thầu; danh sách nhà thầu vi phạm pháp luật về đấu thầu; tổng hợp, cung cấp thông tin về nhà thầu cho các tổ chức và cá nhân có liên quan nhằm phục vụ việc công khai, minh bạch thông tin và cạnh tranh lành mạnh trong quá trình lựa chọn nhà thầu.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn