Công chứng di chúc của người Hoa không biết tiếng Việt? Công chứng di chúc cho mẹ nuôi của vợ có được không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 26/05/2022

Công chứng di chúc của người Hoa không biết tiếng Việt? Công chứng di chúc cho mẹ nuôi của vợ có được không? Khi Văn phòng công chứng chấm dứt hoạt động thì những di chúc đang lưu giữ tại đây được giải quyết như thế nào?

    • Công chứng di chúc của người Hoa không biết tiếng Việt

      Bà nội em là người Hoa, không biết tiếng Việt. Năm 80 tuổi bà đã lập di chúc tại Phòng công chứng. Di chúc có 2 người chứng: người thứ nhất là người Hoa biết nói tiếng Việt; người thứ 2 là người Việt không biết tiếng Hoa. Vậy di chúc này có hợp pháp hay không? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

      Trả lời:

      Theo Điều 6 Luật Công chứng 2014 thì tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng là tiếng Việt.

      Đồng thời, Khoản 3 Điều 47 Luật Công chứng 2014 thì:

      Trường hợp người yêu cầu công chứng không thông thạo tiếng Việt thì họ phải có người phiên dịch.

      Người phiên dịch phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thông thạo tiếng Việt và ngôn ngữ mà người yêu cầu công chứng sử dụng.

      Người phiên dịch do người yêu cầu công chứng mời và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phiên dịch của mình.

      Căn cứ quy định trên thì việc công chứng di chúc được thực hiện như bạn trình bày là không đúng quy định.

      Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về công chứng di chúc của người Hoa không biết tiếng Việt. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Công chứng 2014 để nắm rõ quy định này.

      Công chứng di chúc cho mẹ nuôi của vợ có được không?

      Công chứng di chúc cho mẹ nuôi của vợ có được? Tôi tên Quân năm nay 28 tuổi. Chồng của con nuôi tôi là công chứng viên hiện tôi đang định làm di chúc. Tôi muốn hỏi là mình có thể công chứng di chúc tại văn phòng công chứng của chồng của con nuôi được không?

      Trả lời:

      Căn cứ Điều 7 Luật Công chứng 2014 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

      - Nghiêm cấm công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện các hành vi sau đây:

      + Tiết lộ thông tin về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; sử dụng thông tin về nội dung công chứng để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức;

      + Thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch, nội dung bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; xúi giục, tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch thực hiện giao dịch giả tạo hoặc hành vi gian dối khác;

      + Công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch có liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân mình hoặc của những người thân thích là vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; ông, bà; anh chị em ruột, anh chị em ruột của vợ hoặc chồng; cháu là con của con đẻ, con nuôi;

      Như vậy, theo quy định hiện hành đối chiếu với trường hợp mà bạn đề cập thì hành vi công chứng hợp đồng liên quan đến lợi ích của bản thân và người thân thích là hành vi bị nghiêm cấm.

      Khi Văn phòng công chứng chấm dứt hoạt động thì những di chúc đang lưu giữ tại đây được giải quyết như thế nào?

      Ban của tôi có lập di chúc và gửi tại Văn phòng công chứng nhờ họ lưu giữ. Vì sợ rủi ro nên tôi muốn hỏi Ban biên tập một câu như sau: Khi Văn phòng công chứng chấm dứt hoạt động thì những di chúc đang lưu giữ tại đây được giải quyết như thế nào? Mong sớm nhận được sự phản hồi. Xin cảm ơn!

      Trả lời:

      Pháp luật nước ta có quy định:

      Người lập di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ di chúc của mình. Khi nhận lưu giữ di chúc, công chứng viên phải niêm phong bản di chúc trước mặt người lập di chúc, ghi giấy nhận lưu giữ và giao cho người lập di chúc.

      Tổ chức hành nghề công chứng bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

      Về vấn đề mà bạn đang thắc mắc thì tại Khoản 2 Điều 60 Luật Công chứng 2014 có quy định như sau:

      Đối với di chúc đã được tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ nhưng sau đó tổ chức này chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì trước khi chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể, tổ chức hành nghề công chứng phải thỏa thuận với người lập di chúc về việc chuyển cho tổ chức hành nghề công chứng khác lưu giữ di chúc. Trường hợp không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì di chúc và phí lưu giữ di chúc phải được trả lại cho người lập di chúc.

      Như vậy, theo quy định này thì khi Văn phòng công chứng chấm dứt hoạt động, những di chúc đang lưu giữ tại đây sẽ được chuyển cho tổ chức hành nghề công chứng khác lưu giữ theo thỏa thuận của Văn phòng công chứng với người lập di chúc bạn nhé. Nếu không có thỏa thuận thì di chúc phải được trả lại cho người lập di chúc.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn