Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 20/09/2016

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại như thế nào? Rất mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Chân thành cảm ơn!

    • Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại
      (ảnh minh họa)
    • Khi các tranh chấp phát sinh, các chủ thể có thể lựa chọn cho mình những phương thức giải quyết nhất định, có thể bằng con đường thương lượng, hòa giải, giải quyết tại Tòa án hoặc giải quyết bằng trọng tài thương mại, trong đó phương thức giải quyết bằng trọng tài thương mại được xem là phương thức được các bên lựa chọn phổ biến nhất.

      1. Thẩm quyền giải quyết bằng trọng tài thương mại

      Trước hết, hiểu thế nào là trọng tài thương mại? Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này. Cũng giống như những vụ việc, tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án đều đã được quy định trong Luật (Bộ luật tố tụng dân sự 2015). Những tranh chấp thuộc thẩm quyền của giải quyết của trọng tài thương mại cũng là những tranh chấp nhất định được quy định tại Luật Trọng tài thương mại 2010, theo đó, thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài bao gồm:

      -Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại

      -Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại

      - Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật có quy định được giải quyết bằng trọng tài.

      2. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

      Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài. Tuy nhiên, để tranh chấp giữa các bên có thể được giải quyết bằng trọng tài thì không chỉ các tranh chấp đó phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà các bên còn phải đáp ứng điều kiện nhất định. Khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định:

      "Tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.”

      Thỏa thuận trọng tài có thể hiểu là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh. Nếu đã có thỏa thuận trọng tài nhưng thỏa thuận trọng tài không có giá trị pháp lý thì trọng tài cũng không có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp này, nếu Trung tâm trọng tài hoặc Trọng tài viên vẫn tiến hành giải quyết thì quyết định trọng tài đó sẽ bị hủy.

      Có thể khẳng định rằng, thỏa thuận trọng tài được xem là vấn đề then chốt và có vai trò quyết định đối với việc áp dụng trọng tài như là một phương thức giải quyết trong kinh doanh, hay nói cách khác là nếu không có thỏa thuận trọng tài thì sẽ không có việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

      3. Thỏa thuận trọng tài vô hiệu

      Thỏa thuận trọng tài được coi là vô hiệu nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

      -Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của trọng tài quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010

      - Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật

      -Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.

      - Hình thức của thỏa thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 Luật Trọng tài thương mại

      -Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thỏa thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận trọng tài đó là vô hiệu

      -Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.

      Trên đây là quy định về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Trọng tài thương mại 2010 để nắm rõ hơn quy định này.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn