Không đeo thẻ công chứng viên khi công chứng di chúc có vi phạm không? Nhờ con đi công chứng di chúc có được không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 13/08/2022

Không đeo thẻ công chứng viên khi công chứng di chúc có vi phạm không? Nhờ con đi công chứng di chúc có được không?

Chào anh/chị, tôi có đi công chứng di chúc, tuy nhiên khi tới văn phòng công chứng thì tôi thấy công chứng viên không đeo thẻ công chứng viên. Tôi thấy nghi ngờ cho nên không muốn công chứng nữa. Xin hỏi việc công chứng viên không đeo thẻ khi hành nghề như vậy có vi phạm pháp luật không? Tôi cố thể nhờ con của mình đi công chứng di chúc giúp có được không?

    • 1. Không đeo thẻ công chứng viên khi công chứng di chúc có vi phạm không?

      Căn cứ Điều 36 Luật Công chứng 2014 có quy định về thẻ công chứng viên như sau:

      1. Thẻ công chứng viên là căn cứ chứng minh tư cách hành nghề công chứng của công chứng viên. Công chứng viên phải mang theo Thẻ công chứng viên khi hành nghề công chứng.

      2. Công chứng viên được cấp lại Thẻ công chứng viên trong trường hợp Thẻ đã được cấp bị mất, bị hỏng.

      Thẻ công chứng viên bị thu hồi trong trường hợp công chứng viên bị miễn nhiệm hoặc bị xóa đăng ký hành nghề.

      3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết mẫu Thẻ công chứng viên, thủ tục đăng ký hành nghề, cấp, cấp lại và thu hồi Thẻ công chứng viên.

      Ngoài ra tại Điều 15 Nghị định 82/2020/NĐ-CP còn có quy định như sau:

      1. phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

      a) Không đánh số thứ tự từng trang đối với văn bản công chứng có từ 02 trang trở lên;

      b) Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp phiếu yêu cầu công chứng không đầy đủ nội dung theo quy định;

      c) Không mang theo thẻ công chứng viên khi hành nghề;

      d) Tham gia không đầy đủ nghĩa vụ bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm theo quy định.

      2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

      a) Công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định;

      b) Công chứng không đúng thời hạn quy định;

      c) Sửa lỗi kỹ thuật văn bản công chứng không đúng quy định;

      d) Sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng;

      đ) Từ chối yêu cầu công chứng mà không có lý do chính đáng;

      e) Không dùng tiếng nói hoặc chữ viết là tiếng Việt;

      g) Không tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên;

      h) Hướng dẫn nhiều hơn 02 người tập sự tại cùng một thời điểm;

      i) Hướng dẫn tập sự khi không đủ điều kiện theo quy định;

      k) Không thực hiện đúng các nghĩa vụ của người hướng dẫn tập sự theo quy định;

      l) Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp không có phiếu yêu cầu công chứng;

      m) Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp thành phần hồ sơ có giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung;

      n) Từ chối hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng không có lý do chính đáng.

      .........

      Như vậy, theo quy định như trên, công chứng viên chỉ cần mang theo thẻ công chứng viên khi hành nghề công chứng. Không có quy định buộc công chứng viên phải đeo thẻ công chứng viên. Cho nên việc công chứng viên không đeo thẻ khi công chứng di chúc của bạn là không vi phạm nếu công chứng viên này có mang theo thẻ.

      2. Nhờ con đi công chứng di chúc có được không?

      Tại Điều 56 Luật Công chứng 2014 có quy định về công chứng di chúc như sau:

      1. Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.

      2. Trường hợp công chứng viên nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hoặc có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép thì công chứng viên đề nghị người lập di chúc làm rõ, trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng di chúc đó.

      Trường hợp tính mạng người lập di chúc bị đe dọa thì người yêu cầu công chứng không phải xuất trình đầy đủ giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này nhưng phải ghi rõ trong văn bản công chứng.

      3. Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó. Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó.

      Theo đó, người có nhu cầu công chứng di chúc không được ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc. Cho nên, trong trường hợp này bạn, không được nhờ con của mình đi công chứng di chúc mà phải tự mình đi công chứng.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn