Luật sư có được thành lập hai công ty luật được không? Luật sư thành lập hai công ty luật bị phạt bao nhiêu tiền?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 17/10/2022

Luật sư có được thành lập hai công ty luật được không? Luật sư thành lập hai công ty luật bị phạt bao nhiêu tiền? Những hành vi nghiêm cấm Luật sư thực hiện trong thời gian hành nghề?

Chào Ban biên tập, em có vấn đề cần được giải đáp. Em đang là sinh viên năm cuối ngành Luật, định hướng của em sau khi tốt nghiệp là sẽ học thêm một khóa đào tạo nghề Luật sư. Em thắc mắc là luật sư có được thành lập hai công ty luật không? Nếu không thì bị xử phạt như thế nào?

Rất mong được Ban biên tập giải đáp, em cảm ơn.

    • 1. Luật sư có được thành lập hai công ty luật được không?

      Tại Điều 32 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi Khoản 15 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định hình thức tổ chức hành nghề luật sư, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư như sau:

      1. Tổ chức hành nghề luật sư bao gồm:

      a) Văn phòng luật sư;

      b) Công ty luật.

      2. Tổ chức hành nghề luật sư được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

      3. Điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư:

      a) Luật sư thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư phải có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật này;

      b) Tổ chức hành nghề luật sư phải có trụ sở làm việc.

      4. Một luật sư chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư. Trong trường hợp luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập một công ty luật thì có thể lựa chọn thành lập và đăng ký hoạt động tại địa phương nơi có Đoàn luật sư mà một trong các luật sư đó là thành viên.

      5. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, các luật sư thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư không phải là thành viên của Đoàn luật sư nơi có tổ chức hành nghề luật sư phải chuyển về gia nhập Đoàn luật sư nơi có tổ chức hành nghề luật sư hoặc chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 20 của Luật này.

      Như vậy, theo quy định trên thì luật sư chỉ được thành lập một công ty luật. Nếu như luật sư thành lập hai công ty luật sẽ bị xử phạt hành chính.

      2. Luật sư thành lập hai công ty luật bị phạt bao nhiêu tiền?

      Theo Khoản 3, Khoản 8 và Khoản 9 Điều 6 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động hành nghề luật sư như sau:

      3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

      a) Cung cấp dịch vụ pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ngoài cơ quan, tổ chức mà luật sư đã ký hợp đồng lao động, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước yêu cầu hoặc tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc thực hiện trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Đoàn luật sư mà luật sư là thành viên;

      b) Thành lập hoặc tham gia thành lập từ hai tổ chức hành nghề luật sư trở lên;

      c) Làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức khác bằng hình thức luật sư hành nghề với tư cách cá nhân ngoài tổ chức hành nghề luật sư mà luật sư đã thành lập, tham gia thành lập hoặc đã ký hợp đồng lao động;

      d) Hành nghề luật sư không đúng hình thức hành nghề theo quy định;

      đ) Hành nghề luật sư với tư cách cá nhân mà không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong trường hợp hợp đồng lao động có thỏa thuận;

      e) Không thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của mình trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý;

      g) Ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng không thông qua tổ chức hành nghề luật sư hoặc không có văn bản ủy quyền của tổ chức hành nghề luật sư;

      h) Hành nghề khi chưa được cấp giấy đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân hoặc vẫn hành nghề khi đã bị thu hồi giấy đăng ký hành nghề luật sư.

      8. Hình thức xử phạt bổ sung:

      a) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và g khoản 3, điểm a khoản 5 Điều này;

      9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

      b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 3, các điểm b và c khoản 4, khoản 5, các điểm a, b, d và đ khoản 6, các điểm d và e khoản 7 Điều này.

      Do đó, luật sư thành lập hai công ty luật sẽ bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, luật sư đấy sẽ bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư từ 01 tháng đến 03 tháng và buộc luật sư đấy phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có từ việc thành lập hai công ty luật.

      3. Những hành vi nghiêm cấm Luật sư thực hiện trong thời gian hành nghề?

      Căn cứ Khoản 1 Điều 9 Luật luật sư 2006 được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định nghiêm cấm luật sư thực hiện các hành vi sau đây:

      a) Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án hình sự, vụ án dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự, các việc khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là vụ, việc);

      b) Cố ý cung cấp hoặc hướng dẫn khách hàng cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật; xúi giục người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện trái pháp luật;

      c) Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;

      d) Sách nhiễu, lừa dối khách hàng;

      đ) Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý;

      e) Móc nối, quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức khác để làm trái quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ, việc;

      g) Lợi dụng việc hành nghề luật sư, danh nghĩa luật sư để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

      h) Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích khác khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho các khách hàng thuộc đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; từ chối vụ, việc đã đảm nhận theo yêu cầu của tổ chức trợ giúp pháp lý, của các cơ quan tiến hành tố tụng, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc theo quy định của pháp luật;

      i) Có lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tham gia tố tụng;

      k) Tự mình hoặc giúp khách hàng thực hiện những hành vi trái pháp luật nhằm trì hoãn, kéo dài thời gian hoặc gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác.

      Trên đây là những hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trong thời gian hành nghề của luật sư.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn