Một năm Thừa phát lại phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ bao nhiêu ngày làm việc?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 29/09/2022

Một năm Thừa phát lại phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ bao nhiêu ngày làm việc? Người tập sự hành nghề Thừa phát lại sẽ được tập sự những nội dung gì?

Xin chào ban biên tập, em đang thực tập tại một tổ chức Thừa phát lại, em thấy Thừa phát lại chỗ em vừa rồi có đi tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ, vậy cho em hỏi một năm Thừa phát lại phải bồi dưỡng nghiệp vụ bao nhiêu ngày? Xin được giải đáp.

    • 1. Một năm Thừa phát lại phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ bao nhiêu ngày làm việc?

      Căn cứ Điều 6 Thông tư 05/2020/TT-BTP quy định việc bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại hàng năm như sau:

      1. Thời gian tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại hàng năm (sau đây gọi là bồi dưỡng nghiệp vụ) tối thiểu là 02 ngày làm việc/năm (16 giờ/năm).

      2. Nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại bao gồm một hoặc một số vấn đề sau đây: cập nhật, bổ sung kiến thức pháp luật về Thừa phát lại, thi hành án dân sự, tố tụng và pháp luật có liên quan; bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng hành nghề Thừa phát lại, đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại; cách thức giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hành nghề Thừa phát lại.

      3. Học viện Tư pháp thực hiện việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thừa phát lại theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều này và cấp giấy chứng nhận hoàn thành nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thừa phát lại.

      Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, Sở Tư pháp tổ chức thực hiện việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thừa phát lại theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều này và cấp giấy chứng nhận hoàn thành nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thừa phát lại.

      4. Thừa phát lại được công nhận hoàn thành nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ nếu trong năm đó đã giảng dạy nghề Thừa phát lại tại Học viện Tư pháp hoặc đã giảng tại một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại do cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 3 Điều này tổ chức hoặc đã tham gia làm báo cáo viên trong các chương trình tập huấn, hội thảo, tọa đàm về các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này do Cục Bổ trợ tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức. Học viện Tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và Sở Tư pháp cấp văn bản chứng nhận cho Thừa phát lại về việc đã tham gia giảng dạy hoặc làm báo cáo viên.

      Trường hợp Thừa phát lại không phải là báo cáo viên mà tham dự các chương trình tập huấn, hội thảo, tọa đàm về các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này do Cục Bổ trợ tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức thì 01 ngày tham dự được tính là 08 giờ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ, từ 02 ngày tham dự trở lên được tính là hoàn thành nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ. Cục Bổ trợ tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự cấp văn bản chứng nhận cho Thừa phát lại, trong đó nêu rõ số ngày tham dự.

      5. Miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ đối với các trường hợp sau đây:

      a) Thừa phát lại nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi;

      b) Thừa phát lại đang điều trị dài ngày tại cơ sở khám chữa bệnh đối với những bệnh thuộc danh mục bệnh chữa trị dài ngày theo quy định của Bộ Y tế từ 03 tháng trở lên có giấy chứng nhận của cơ quan y tế cấp huyện hoặc tương đương trở lên.

      Thừa phát lại thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a và b khoản này nộp giấy tờ chứng minh cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hành nghề.

      Như vậy, hằng năm Thừa phát lại phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ tối thiểu là 02 ngày làm việc/năm (16 giờ/năm).

      2. Người tập sự hành nghề Thừa phát lại sẽ được tập sự những nội dung gì?

      Theo Điều 7 Thông tư 05/2020/TT-BTP quy định nội dung tập sự hành nghề Thừa phát lại như sau:

      Nội dung tập sự hành nghề Thừa phát lại bao gồm:

      1. Tiếp nhận, phân loại yêu cầu thực hiện công việc của Thừa phát lại (sau đây gọi là yêu cầu); kiểm tra tính xác thực, tính hợp pháp của các giấy tờ có trong hồ sơ yêu cầu, năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu;

      2. Ứng xử theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại; giải thích cho người yêu cầu hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý khi thực hiện yêu cầu, lý do khi từ chối thực hiện yêu cầu;

      3. Nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết hồ sơ yêu cầu;

      4. Kỹ năng lập vi bằng, soạn thảo văn bản thuộc thẩm quyền của Thừa phát lại;

      5. Kỹ năng tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu;

      6. Kỹ năng xác minh điều kiện thi hành án;

      7. Kỹ năng tổ chức thi hành án;

      8. Sắp xếp, phân loại hồ sơ đã được thực hiện để đưa vào lưu trữ;

      9. Các kỹ năng và công việc khác liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của Thừa phát lại theo sự phân công của Thừa phát lại hướng dẫn tập sự.

      Theo đó, người tập sự hành nghề Thừa phát lại sẽ được tập sự những nội dung quy định trên.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn