Người đại diện theo pháp luật của Phòng công chứng có bắt buộc là công chứng viên không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 08/07/2022

Người đại diện theo pháp luật của Phòng công chứng có bắt buộc là công chứng viên không? Có phải đăng báo hoạt động Phòng công chứng sau khi thành lập không?

Chào Ban biên tập, em có vấn đề cần được giải đáp ạ. Em là sinh viên Luật năm cuối của Đại học V. Hiện tại em đang đi thực tập tại Phòng công chứng Q. Em có thắc mắc là người đại diện theo pháp luật của Phòng công chứng có bắt buộc là công chứng viên không ạ hay chỉ cần là cử nhân luật thôi ạ? Rất mong được Ban biên tập giải đáp, em xin cảm ơn ạ.

    • Người đại diện theo pháp luật của Phòng công chứng có bắt buộc là công chứng viên không?

      Căn cứ Điều 19 Luật Công chứng 2014 quy định về phòng công chứng như sau:

      1. Phòng công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.

      2. Phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng.

      Người đại diện theo pháp luật của Phòng công chứng là Trưởng phòng. Trưởng phòng công chứng phải là công chứng viên, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

      3. Tên gọi của Phòng công chứng bao gồm cụm từ “Phòng công chứng” kèm theo số thứ tự thành lập và tên của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Phòng công chứng được thành lập.

      4. Phòng công chứng sử dụng con dấu không có hình quốc huy. Phòng công chứng được khắc và sử dụng con dấu sau khi có quyết định thành lập. Thủ tục, hồ sơ xin khắc dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu của Phòng công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật về con dấu.

      Như vậy, Người đại diện theo pháp luật của Phòng công chứng bắt buộc phải là công chứng viên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

      Có phải đăng báo hoạt động Phòng công chứng sau khi thành lập không?

      Theo Điều 20 Luật Công chứng 2014 quy định thành lập Phòng công chứng như sau:

      1. Căn cứ vào nhu cầu công chứng tại địa phương, Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ xây dựng đề án thành lập Phòng công chứng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Đề án nêu rõ sự cần thiết thành lập Phòng công chứng, dự kiến về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện.

      2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định thành lập Phòng công chứng, Sở Tư pháp phải đăng báo trung ương hoặc báo địa phương nơi có trụ sở của Phòng công chứng trong ba số liên tiếp về các nội dung sau đây:

      a) Tên gọi, địa chỉ trụ sở của Phòng công chứng;

      b) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định thành lập và ngày bắt đầu hoạt động của Phòng công chứng.

      3. Trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thay đổi tên gọi hoặc địa chỉ trụ sở của Phòng công chứng thì Sở Tư pháp phải đăng báo những nội dung thay đổi đó theo quy định tại khoản 2 Điều này.

      Do đó, Sở Tư pháp phải đăng báo trung ương hoặc báo địa phương trong ba số liên tiếp về việc hoạt động của Phòng công chứng sau khi thành lập.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn