Sổ đỏ không còn thời hạn sử dụng đất có được dùng làm bản chính khi chứng thực bản sao?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 25/11/2022

Sổ đỏ không còn thời hạn sử dụng đất có được dùng làm bản chính khi chứng thực bản sao? Thời hạn giải quyết yêu cầu chứng thực trong bao lâu? Thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính được quy định như thế nào?

Chào anh chị, cho em hỏi hiện tại em đang cần chứng thực sổ đỏ. Tuy nhiên, khi chuẩn bị mang sổ đi chứng thực thì em được biết thời hạn sử dụng đất trong sổ đã hết. Vậy anh chị cho em hỏi có được mang sổ đỏ làm bảng gốc để đi chứng thực hay không?

Nhờ anh chị tư vấn, cảm ơn anh chị đã hỗ trợ.

    • Sổ đỏ không còn thời hạn sử dụng đất có được dùng làm bản chính khi chứng thực bản sao?
      (ảnh minh họa)
    • 1. Sổ đỏ không còn thời hạn sử dụng đất có được dùng làm bản chính khi chứng thực bản sao?

      Tại Điều 18 Nghị định 23/2015/NĐ-CP có quy định về giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao từ bản chính như sau:

      1. Bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.

      2. Bản chính giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

      Tại Điều 22 Nghị định 23/2015/NĐ-CP có quy định về bản chính giấy tờ, văn bản không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao như sau:

      1. Bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ.

      2. Bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung.

      3. Bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp.

      4. Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân.

      5. Bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Nghị định này.

      6. Giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

      Căn cứ theo quy định hiện hành, trong trường hợp sổ đỏ không còn thời hạn sử dụng đất nhưng vẫn đáp ứng được các điều kiện về giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao, không thuộc trường hợp không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao thì vẫn có thể dùng làm bản chính khi chứng thực.

      2. Thời hạn giải quyết yêu cầu chứng thực trong bao lâu?

      Tại Điều 7 Nghị định 23/2015/NĐ-CP có quy định về thời hạn thực hiện yêu cầu chứng thực như sau:

      Thời hạn thực hiện yêu cầu chứng thực phải được bảo đảm ngay trong ngày cơ quan, tổ chức tiếp nhận yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ; trừ trường hợp quy định tại các Điều 21, 33 và Điều 37 của Nghị định này.

      Theo đó, thông thường, thời hạn giải quyết yêu cầu chứng thực là ngay trong ngày, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ thì phải giải quyết vào ngày làm việc tiếp theo, trừ một số trường hợp theo quy định.

      3. Thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính được quy định như thế nào?

      Tại Điều 20 Nghị định 23/2015/NĐ-CP có quy định về thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính như sau:

      1. Người yêu cầu chứng thực phải xuất trình bản chính giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao và bản sao cần chứng thực.

      Trong trường hợp bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật trước khi yêu cầu chứng thực bản sao; trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại.

      2. Trường hợp người yêu cầu chứng thực chỉ xuất trình bản chính thì cơ quan, tổ chức tiến hành chụp từ bản chính để thực hiện chứng thực, trừ trường hợp cơ quan, tổ chức không có phương tiện để chụp.

      3. Người thực hiện chứng thực kiểm tra bản chính, đối chiếu với bản sao, nếu nội dung bản sao đúng với bản chính, bản chính giấy tờ, văn bản không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 22 của Nghị định này thì thực hiện chứng thực như sau:

      a) Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực bản sao từ bản chính theo mẫu quy định;

      b) Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.

      Đối với bản sao có từ 02 (hai) trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu bản sao có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.

      Mỗi bản sao được chứng thực từ một bản chính giấy tờ, văn bản hoặc nhiều bản sao được chứng thực từ một bản chính giấy tờ, văn bản trong cùng một thời điểm được ghi một số chứng thực.

      Như vậy, thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính sẽ được thực hiện theo quy định trên.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn