Văn phòng công chứng sáp nhập có phải thông báo cho Sở Tư pháp hay không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 27/06/2022

Văn phòng công chứng sáp nhập có phải thông báo cho Sở Tư pháp hay không? Trong thời gian làm thủ tục sáp nhập, các Văn phòng công chứng bị sáp nhập có phải dừng hoạt động hay không?

Văn phòng tôi sắp sáp nhập với một văn phòng ở tỉnh khác. Cho tôi hỏi chúng tôi có cần phải thông báo cho Sở Tư pháp hay không? Và Sở tư pháp tỉnh nào? Xin cảm ơn!

    • Văn phòng công chứng sáp nhập có phải thông báo cho Sở Tư pháp hay không?

      Căn cứ Khoản 1 Điều 14 Nghị định 29/2015/NĐ-CP quy định về sáp nhập Văn phòng công chứng như sau:

      1. Các Văn phòng công chứng sáp nhập theo quy định tại Khoản 2 Điều 28 của Luật Công chứng nộp 01 (một) bộ hồ sơ sáp nhập tại Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động. Hồ sơ bao gồm:

      a) Hợp đồng sáp nhập Văn phòng công chứng, trong đó có các nội dung chủ yếu sau: Tên, địa chỉ trụ sở của các Văn phòng công chứng bị sáp nhập; tên, địa chỉ trụ sở của Văn phòng công chứng nhận sáp nhập; thời gian thực hiện sáp nhập; phương án chuyển tài sản của các Văn phòng công chứng bị sáp nhập sang Văn phòng công chứng nhận sáp nhập; phương án sử dụng lao động của Văn phòng công chứng nhận sáp nhập; việc kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các Văn phòng công chứng bị sáp nhập và các nội dung khác có liên quan.

      Mỗi Văn phòng công chứng sáp nhập cử một công chứng viên hợp danh làm đại diện để ký kết hợp đồng sáp nhập.

      b) Kê khai thuế, báo cáo tài chính trong 03 (ba) năm gần nhất đã được kiểm toán của các Văn phòng công chứng tính đến ngày đề nghị sáp nhập;

      c) Biên bản kiểm kê hồ sơ công chứng và biên bản kiểm kê tài sản hiện có của các Văn phòng công chứng;

      d) Danh sách các công chứng viên hợp danh và công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng tại các Văn phòng công chứng;

      đ) Quyết định cho phép thành lập và giấy đăng ký hoạt động của các Văn phòng công chứng.

      Theo đó, văn phòng của các bạn phải thông báo đến Sở Tư pháp, cụ thể là Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động, tức Sở tư pháp tại tỉnh Văn phòng công chứng sau khi sáp nhập.

      Trong thời gian làm thủ tục sáp nhập, các Văn phòng công chứng bị sáp nhập có phải dừng hoạt động hay không?

      Căn cứ Khoản 5 Điều 14 Nghị định trên quy định như sau:

      5. Trong thời gian làm thủ tục sáp nhập, các Văn phòng công chứng bị sáp nhập tiếp tục hoạt động cho đến khi Văn phòng công chứng nhận sáp nhập được thay đổi nội dung đăng ký hoạt động. Văn phòng công chứng nhận sáp nhập kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ, yêu cầu công chứng đang thực hiện tại các Văn phòng công chứng bị sáp nhập và có trách nhiệm lưu trữ toàn bộ hồ sơ công chứng của các Văn phòng công chứng bị sáp nhập.

      Như vậy, trong thời gian làm thủ tục sáp nhập, các Văn phòng công chứng bị sáp nhập không phải dừng hoạt động cho đến khi Văn phòng công chứng nhận sáp nhập được thay đổi nội dung đăng ký hoạt động.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn