Xin hỏi thành lập phòng công chứng

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 30/08/2016
Xin Luật sư tư vấn giùm tôi Hiện tôi đang có mặt bằng ở quận 12. dân cư nơi đây mỗi lần đi công chứng rất khó khăn nay tôi muốn thành lập phòng công chứng tư nhân vậy Luật sư xin tư vấn cho biết mình cần điều kiện gì? thủ tục ra sao ? Nếu có bằng tốt nghiệp đại học quản trị kinh doanh chuyên ngành luật kinh doanh vậy phải học thêm như thế nào để thành lập. Xin cám ơn luật sư rất nhiều và mong hồi âm sớm từ Luật sư. TB : Rất muốn hợp tác với Luật sư nếu có thể
    • Chào Quý Ông, Bà,

      Chúng tôi xin trả lời câu hỏi của Quý Ông Bà như sau:

      Người thành lập văn phòng công chứng trước hết phải được Bộ tư pháp bổ nhiệm Công chứng viên.

      Tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên:

      1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét, bổ nhiệm làm công chứng viên:

      a) Có bằng cử nhân luật;
      b) Có thời gian công tác pháp luật từ năm năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức;
      c) Có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề công chứng;
      d) Đã qua thời gian tập sự hành nghề công chứng;
      đ) Có sức khoẻ bảo đảm hành nghề công chứng.

      2. Thời gian đào tạo nghề công chứng và tập sự hành nghề công chứng được tính vào thời gian công tác pháp luật.

      Người được miễn đào tạo nghề công chứng

      1. Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên; luật sư đã hành nghề từ ba năm trở lên.

      2. Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật.

      3. Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

      Thủ tục bổ nhiệm công chứng viên:

      1. Người hoàn thành tập sự hành nghề công chứng có quyền đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên gửi Sở Tư pháp ở địa phương nơi đăng ký tập sự, gồm có:

      a) Đơn đề nghị bổ nhiệm công chứng viên;
      b) Bản sao bằng cử nhân luật hoặc bằng thạc sỹ luật;
      c) Giấy tờ chứng minh về thời gian công tác pháp luật;
      d) Bản sao Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề công chứng;
      đ) Báo cáo kết quả tập sự hành nghề công chứng có nhận xét của công chứng viên hướng dẫn;
      e) Sơ yếu lý lịch;
      g) Giấy chứng nhận sức khoẻ.

      2. Người được miễn đào tạo nghề công chứng, người được miễn tập sự hành nghề công chứng có quyền đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên gửi Bộ Tư pháp, gồm có:

      a) Đơn đề nghị bổ nhiệm công chứng viên;
      b) Bản sao bằng cử nhân luật hoặc bằng thạc sỹ luật hoặc bằng tiến sỹ luật;
      c) Giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự hành nghề công chứng;
      d) Giấy tờ chứng minh về thời gian công tác pháp luật;
      đ) Sơ yếu lý lịch;
      e) Giấy chứng nhận sức khoẻ.

      3. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên quy định tại khoản 1 Điều này, Sở Tư pháp phải có văn bản đề nghị bổ nhiệm công chứng viên kèm theo hồ sơ gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

      4. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm công chứng viên; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho Sở Tư pháp, người nộp hồ sơ. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

      Người được bổ nhiệm công chứng viên thì được Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp thẻ công chứng viên.

      Thủ tục thành lập văn phòng công chứng:

      1. Công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng phải có hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng gửi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, hồ sơ gồm có:

      a) Đơn đề nghị thành lập Văn phòng công chứng;
      b) Đề án thành lập Văn phòng công chứng nêu rõ sự cần thiết thành lập, dự kiến về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện;
      c) Bản sao quyết định bổ nhiệm công chứng viên.

      2. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng. Trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

      3. Trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cho phép thành lập, Văn phòng công chứng phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp của địa phương cho phép thành lập. Khi đăng ký hoạt động phải có đơn đăng ký hoạt động, giấy tờ chứng minh về trụ sở ở địa phương nơi quyết định cho phép thành lập.

      Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được các giấy tờ đăng ký hoạt động, Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

      Văn phòng công chứng được hoạt động kể từ ngày Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động.

      Trân trọng,

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn