Muốn kiện vợ cũ vì bỗng dưng không cho gặp con

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 20/09/2016

Hai năm trước, chúng tôi ly hôn, vợ cũ được quyền nuôi con. Suốt thời gian đó tôi thường xuyên tới thăm con nhưng vài tháng gần đây cô ấy ngăn cản, kể cả việc tôi nói chuyện qua điện thoại. Cô ấy dọa nếu tôi làm gắt sẽ đưa con đi thật xa để tôi không bao giờ được gặp con nữa. Điều này khiến tôi rất ức chế. Tôi muốn hỏi trong trường hợp này vợ cũ có quyền làm như vậy không? Tôi có quyền kiện về việc ngăn cấm này và giành lại quyền nuôi con không?

    • Thương yêu con; trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình là quyền và nghĩa vụ của cha mẹ.

      Theo khoản 1 Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình, cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

      Khoản 1 Điều 81 quy định: “Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan”.

      Theo khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình, sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Tuy vậy, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi và không được lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

      Khoản 2 Điều 83 Luật này cũng quy định cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

      Việc người trực tiếp nuôi con ngăn cản, gây khó khăn, cản trở việc thăm con là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa cha, mẹ và con cũng được xem là hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

      Theo Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa cha, mẹ và con (trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án) có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Như vậy, nếu bị cản trở quyền thăm con, người bị cản trở có quyền yêu cầu chính quyền địa phương can thiệp, xử lý.

      Nếu xét thấy có căn cứ người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, bạn có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình và quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn