Các tiệm vàng không thể tự trang bị công cụ hỗ trợ

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 16/09/2016
Gia đình tôi kinh doanh vàng từ nhiều năm nay. Gần đây, tôi thấy các vụ cướp tiệm vàng gia tăng đột biến và thủ đoạn cướp ngày càng táo tợn. Chúng tôi cảm thấy rất bất an, lo lắng và muốn tự trang bị thêm cho nhân viên bảo vệ một số dụng cụ như dùi cui điện, sung bắn đạn cao su... để chủ động đề phòng những trường hợp bất trắc có thể xảy ra. Xin hỏi, việc trang bị và sử dụng các loại công cụ hỗ trợ có được pháp luật cho phép? Nếu được thì cần thực hiện những thủ tục gì?
    • Gia đình bạn không thể tự ý trang bị cho nhân viên bảo vệ các công cụ hỗ trợ như dùi cui, sung bắn đạn cao su… Trường hợp cần thiết, bạn có thể liên hệ và sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp được trang bị các công cụ hỗ trợ.
      Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì công cụ hỗ trợ còn bao gồm các loại công cụ sau:

      - Các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, la-de, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này;

      - Các loại phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa;

      - Các loại lựu đạn khói, lựu đại cay, quả nổ;

      - Các loại dùi cui cao su, dùi cui kim loại, khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai, áo giáp, găng tay điện, găng tay bắt dao, lá chắn, mũ chống đạn;

      - Động vật nghiệp vụ.

      Như vậy, dùi cui điện, sung bắn đạn cao su là một trong các loại công cụ hỗ trợ. Việc trang bị và sử dụng các loại công cụ hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

      Theo quy định tại Điều 30 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Điều 38 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 (các văn bản đang có hiệu lực thi hành), chỉ những đối tượng sau đây mới được phép trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ: Quân đội nhân dân; dân quân tự vệ; Công an nhân dân; Đội kiểm tra chống buôn lậu của Hải quan, Hải quan cửa khẩu; Đội kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường; Đội tuần tra kiểm soát của Kiểm lâm; Ban, Đội bảo vệ chuyên trách của một số cơ quan, tổ chức nhà nước; Ban Bảo vệ dân phố hoặc tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh trật tự ở phường xã; Trường, Trung tâm huấn luyện tập võ thuật và thể thao của Nhà nước; An ninh Hàng không; Đội thi hành án; Tổ chức, cá nhân thi công xây dựng được sử dụng súng bắn đinh.

      Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 52/2008/NĐ-CP ngày 22/4/2008 của Chính phủ về quản lý, kinh doanh dịch vụ bảo vệ, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ (được thành lập, đăng ký kinh doanh dịch vụ bảo vệ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp) cũng được phép trang bị công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, điều 7 Nghị định số 52/2008/NĐ-CP quy định:

      1. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ được trang bị công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

      2. Bộ Công an hướng dẫn cụ thể về số lượng, chủng loại công cụ hỗ trợ; thủ tục, thẩm quyền trang bị, quản lý và sử dụng công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ.

      Tại Điều 1 Mục V Thông tư số 45/2009/TT-BCA (C11) ngày 14/7/2009 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 52/2008/NĐ-CP về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ quy định: “Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ được trang bị các loại công cụ hỗ trợ: gậy cao su, gậy sắt, roi cao su, roi điện”. Thủ tục đề nghị cấp giấy phép mua công cụ hỗ trợ, giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ; việc quản lý và sử dụng công cụ hỗ trợ được thực hiện theo quy định tại Mục V Thông tư này. Như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ cũng chỉ được sử dụng hạn chế một số loại công cụ hỗ trợ bao gồm: gậy cao su, gậy sắt, roi cao su, roi điện.

      Tóm lại, theo các quy định hiện hành, các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc thuộc đối tượng được trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ; gia đình bạn không thể tự ý trang bị cho nhân viên bảo vệ của mình các công cụ hỗ trợ như dùi cui, sung bắn đạn cao su… Trong trường hợp cần thiết, gia đình bạn có thể liên hệ và sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp được trang bị các công cụ hỗ trợ để làm nhiệm vụ bảo vệ.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn