Chứng thư bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh có thể tự hết hiệu lực không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 20/04/2022

Chứng thư bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh có thể tự hết hiệu lực không? Trích lập Quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh bao nhiêu một năm? Doanh nghiệp tôi đã ký hợp đồng bảo lãnh với Quỹ bảo lãnh và đã được phát Chứng thư bảo lãnh nhưng đến nay đã hơn 3 tháng doanh nghiệp chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ khoản tiền giải ngân nào từ bên cho vay thì Chứng thư có thể tự động hết hạn không?

    • Chứng thư bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh có thể tự hết hiệu lực không?
      (ảnh minh họa)
    • Chứng thư bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh có thể tự hết hiệu lực không?

      Căn cứ Điều 35 Nghị định 34/2018/NĐ-CP quy định về chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh vay vốn như sau:

      Nghĩa vụ bảo lãnh vay vốn của bên bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp sau:

      1. Bên được bảo lãnh đã thực hiện trả nợ đầy đủ đối với bên nhận bảo lãnh theo hợp đồng tín dụng đã ký.

      2. Bên bảo lãnh đã thực hiện xong nghĩa vụ bảo lãnh theo hợp đồng bảo lãnh tín dụng hoặc chứng thư bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh.

      3. Việc bảo lãnh vay vốn được hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác khi có thỏa thuận của các bên có liên quan.

      4. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày phát hành chứng thư bảo lãnh mà không có khoản giải ngân nào của bên nhận bảo lãnh cho bên được bảo lãnh thì chứng thư bảo lãnh hết hiệu lực.

      5. Thời hạn hiệu lực của bảo lãnh vay vốn đã hết.

      6. Bên nhận bảo lãnh đồng ý miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bên bảo lãnh hoặc nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt theo quy định của pháp luật.

      7. Theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

      Như vậy, trường hợp trên đã quá thời hạn 60 ngày mà không có khoản giải ngân cho bên nhận bảo lãnh , bên đã được Cấp chứng thư bảo lãnh thì Chứng thư hết hiệu lực theo quy định.

      Trích lập Quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh bao nhiêu một năm?

      Theo quy định tại Điều 36 Nghị định 34/2018/NĐ-CP quy định về phân loại nợ, trích lập quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh như sau:

      1. Phân loại nợ: Quỹ bảo lãnh tín dụng thực hiện phân loại nợ đối với các khoản đã trả nợ thay cho bên được bảo lãnh (khách hàng phải nhận nợ bắt buộc) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các tổ chức tín dụng.

      2. Trích lập quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh: Quỹ bảo lãnh tín dụng được trích lập Quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh và được tính vào chi phí hoạt động của Quỹ như sau:

      a) Trích lập dự phòng rủi ro chung bằng 0,75%/năm tính trên số dư cam kết bảo lãnh của Quỹ;

      b) Trích lập dự phòng rủi ro cụ thể: Căn cứ kết quả phân loại nợ và kết quả thu chi tài chính hàng năm của Quỹ, Quỹ bảo lãnh tín dụng thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cụ thể cho những khoản đã trả nợ thay cho bên được bảo lãnh, tỷ lệ trích không quá tỷ lệ trích tối đa theo từng nhóm nợ theo quy định đối với các tổ chức tín dụng.

      3. Quỹ bảo lãnh tín dụng được sử dụng quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh để bù đắp các khoản nợ cho vay bắt buộc khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho khách hàng mà không thu hồi được nợ sau khi đã sử dụng các khoản bảo hiểm rủi ro (đối với các trường hợp mua bảo hiểm rủi ro). Cuối năm, nếu không sử dụng hết, số dư của quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh được chuyển sang năm tiếp theo để sử dụng.

      Trường hợp quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh không đủ bù đắp những rủi ro bảo lãnh phát sinh trong năm thì sẽ lấy từ nguồn quỹ dự phòng tài chính theo quy định tại Điều 43 Nghị định này.

      Theo đó, hằng năm Quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ trích lập dự phòng rủi ro chung bằng 0,75%/năm tính trên số dư cam kết bảo lãnh.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn