Giám đốc doanh nghiệp nhà nước có thể kiêm Giám đốc của công ty khác không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 18/08/2022

Giám đốc Doanh nghiệp nhà nước có thể kiêm Giám đốc của công ty khác không? Miễn nhiệm, cách chức đối với Giám đốc Doanh nghiệp nhà nước trong những trường hợp nào? Trách nhiệm của Giám đốc Doanh nghiệp nhà nước là gì? 

Chào các anh chị ban biên tập, hiện tôi đang tìm hiểu về chức danh Giám đốc Doanh nghiệp nhà nước và tôi có thắc mắc là Giám đốc Doanh nghiệp nhà nước có thể kiêm Giám đốc của công ty khác không? Miễn nhiệm, cách chức đối với Giám đốc trong những trường hợp nào?

Mong anh chị Luật sư tư vấn. Tôi cảm ơn.

    • 1. Giám đốc doanh nghiệp nhà nước có thể kiêm Giám đốc của công ty khác không?

      Tại Điều 101 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định tiêu chuẩn, điều kiện của Giám đốc, Tổng giám đốc, cụ thể như sau:

      1. Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này.

      2. Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của công ty.

      3. Không phải là người có quan hệ gia đình của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu; thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty; Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng của công ty; Kiểm soát viên công ty.

      4. Chưa từng bị cách chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc tại công ty hoặc ở doanh nghiệp nhà nước khác.

      5. Không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác.

      6. Tiêu chuẩn, điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty.

      Như vậy, người đang đảm nhiệm chức danh Giám đốc doanh nghiệp nhà nước thì sẽ không được kiêm Giám đốc hay Tổng giám đốc của bất kỳ doanh nghiệp nào khác.

      2. Miễn nhiệm, cách chức đối với Giám đốc doanh nghiệp nhà nước trong những trường hợp nào?

      Căn cứ Điều 102 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định việc miễn nhiệm, cách chức đối với Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty, Kế toán trưởng, theo đó:

      1. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc bị miễn nhiệm trong trường hợp sau đây:

      a) Không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại Điều 101 của Luật này;

      b) Có đơn xin nghỉ việc.

      2. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc bị xem xét cách chức trong trường hợp sau đây:

      a) Doanh nghiệp không bảo toàn được vốn theo quy định của pháp luật;

      b) Doanh nghiệp không hoàn thành các mục tiêu kế hoạch kinh doanh hằng năm;

      c) Doanh nghiệp vi phạm pháp luật;

      d) Không có đủ trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu của chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh mới của doanh nghiệp;

      đ) Vi phạm một trong số các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý quy định tại Điều 97 và Điều 100 của Luật này;

      e) Trường hợp khác quy định tại Điều lệ công ty.

      3. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có quyết định miễn nhiệm, cách chức, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xem xét, quyết định tuyển chọn, bổ nhiệm người khác thay thế.

      4. Trường hợp miễn nhiệm, cách chức đối với Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, người quản lý khác của công ty, Kế toán trưởng do Điều lệ công ty quy định.

      Theo đó, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước sẽ bị miễn nhiễm hoặc cách chức nếu thuộc một trong các trường hợp được pháp luật quy định như trên.

      3. Trách nhiệm của Giám đốc doanh nghiệp nhà nước là gì?

      Theo Điều 83 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định trách nhiệm của thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác, Kiểm soát viên, như sau:

      1. Tuân thủ pháp luật, Điều lệ công ty, quyết định của chủ sở hữu công ty trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao.

      2. Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty và chủ sở hữu công ty.

      3. Trung thành với lợi ích của công ty và chủ sở hữu công ty; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

      4. Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho chủ sở hữu công ty về doanh nghiệp mà mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối và doanh nghiệp mà người có liên quan của mình làm chủ, cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần, phần vốn góp chi phối. Thông báo phải được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty.

      5. Trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

      Theo quy định này thì Giám đốc doanh nghiệp nhà nước của công ty, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm như quy định trên.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn