Lấy lại vốn góp và giải thế công ty cổ phần

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 08/09/2016

Tháng 1/2014 tôi có tham gia công ty cổ phần do 5 người tham gia . Mỗi người góp vốn 40tr. Tuy nhiên sau 1 thời gian do các thành viên không thống nhất dẫn đến công ty không hoạt động và có xu hướng giải thể công ty. Do lúc đầu công ty chưa làm tài khoản ngân hàng, tin tưởng nhau mà đã giao vốn góp cho 2 người. 1 người là Tổng Giám đốc và 1 người lo hành chính. Trong thời gian xảy ra mâu thuẫn ( tháng 4/2014 ) cho đến nay tháng 9/2014 công ty tôi vẫn chưa thể giải quyết được các công việc sau: 1, Quyết toán tài chính và trả lại vốn góp cho các thành viên với lý do: - Những người cầm vốn góp không chịu trả lại số tiền còn lại cho các thành viên, đặc biệt là tôi. Các thành viên khác đều tự ý rút trước 20tr, trong khi tôi chưa lấy lại được vốn góp nào. - Các thành viên khác cũng không quan tâm tới việc giải thể công ty vì ít nhất họ cũng lấy về được 20tr 2, Giải quyết các việc liên quan đến thuế và làm thủ tục giải thể công ty. Vậy thưa các Luật sư, có thể giải đáp và cho tôi lời khuyên đối với trường hợp của tôi. Tôi phải làm gì để lấy lại được vốn góp của mình và không liên quan gì đến công ty ? Việc không nộp Báo cáo thuế hàng tháng bị phạt như thế nào ?

    • 1. Quy định về việc góp vốn và thoái vốn ra khỏi công ty cổ phần

      - Nghĩa vụ góp vốn của cổ đông:

      Điều 84 Luật Doanh nghiệp quy định về nghĩa vụ của cổ đông sáng lập: cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán và phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

      - Rút vốn:

      Điều 80 Luật Doanh nghiệp quy định: Cổ đông không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định tại khoản này thì thành viên Hội đồng quản trị và người đại đại diện theo pháp luật của công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút.

      - Giải thể công ty:

      Theo Điều 157 Luật Doanh nghiệp:

      Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:

      a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

      b) Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

      c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn sáu tháng liên tục;

      d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

      2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.

      Khi giải thể, vấn đề tài chính của công ty được giải quyết như sau: Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự sau đây: (i) Chi trả các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; (ii) Chi trả nợ thuế và các khoản nợ khác. Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, phần còn lại thuộc về các cổ đông công ty.

      Như vậy, khi chưa giải thể mà doanh nghiệp của bạn chi trả tiền góp vốn cho cổ đông công ty là sai quy định.

      2. Trách nhiệm của cổ đông với doanh nghiệp

      Việc xác định trách nhiệm của cổ đông công ty được chia làm hai trường hợp như sau:

      - Nếu cổ đông chỉ tham gia góp vốn mà không quản trị điều hành: chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

      - Nếu cổ đông tham gia quản trị, quản lý doanh nghiệp thì chiểu theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty để xác định trách nhiệm liên quan.

      3. Nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp và chế tài xử lý vi phạm:

      - Về nghĩa vụ nộp hồ sơ kê khai thuế:

      Điều 32 Luật quản lý thuế 2006, được hướng dẫn bởi Khoản 3 Mục 1 Phần B Thông tư 60/2007/TT-BTC: doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày thứ hai mươi của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với loại thuế khai và nộp theo tháng.

      - Mức phạt vi phạm hành chính khi chậm nộp hồ sơ khai thuế:

      Điều 7 Nghị định 129/2013/NĐ-CP quy định:

      “1.Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp chậm hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày mà có tình tiết giảm nhẹ.

      2. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 10 ngày (trừ trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều này).

      3. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ trên 10 ngày đến 20 ngày.

      4. Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ trên 20 ngày đến 30 ngày.

      5. Phạt tiền từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ trên 30 ngày đến 40 ngày.

      6. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

      a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ trên 40 ngày đến 90 ngày.

      b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định trên 90 ngày nhưng không phát sinh số thuế phải nộp.

      c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp.

      d) Nộp hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý quá thời hạn quy định trên 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhưng chưa đến thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế.

      7. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế quy định tại Điều này bao gồm cả thời gian gia hạn nộp hồ sơ khai thuế quy định tại Điều 33 của Luật quản lý thuế.

      8. Không áp dụng các mức xử phạt quy định tại Điều này đối với trường hợp được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật quản lý thuế.

      9. Người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế bị xử phạt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều này nếu dẫn đến chậm nộp tiền thuế thì phải nộp tiền chậm nộp thuế theo quy định của pháp luật”.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn