Một doanh nghiệp được phép có bao nhiêu con dấu?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 13/05/2022

Một doanh nghiệp được phép có bao nhiêu con dấu? Văn phòng đại diện của doanh nghiệp có được kinh doanh hay không? Chào anh chị, em đang làm ở bộ phận hành chính nhân sự của một doanh nghiệp. Anh chị cho em hỏi một doanh nghiệp được phép có bao nhiêu con dấu? Nhờ anh chị tư vấn. Cảm ơn anh chị.

    • Một doanh nghiệp được phép có bao nhiêu con dấu?

      Tại Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định như về dấu của doanh nghiệp như sau:

      1. Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

      2. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.

      3. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.

      Căn cứ theo quy định hiện hành, doanh nghiệp sẽ tự quyết định số lượng dấu của doanh nghiệp mình. Chính vì vậy, doanh nghiệp của bạn có thể tự quy định số lượng con dấu trong điều lệ hoặc các văn bản khác của công ty.

      Văn phòng đại diện của doanh nghiệp có được kinh doanh hay không?

      Tại Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định về chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp như sau:

      1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

      2. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.

      3. Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.

      Theo đó, văn phòng đại diện không được thực hiện chức năng kinh doanh.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn