Nếu người lao động sử dụng hết khoản tạm ứng tiền lương dùng để thực hiện công việc thì có được khấu trừ vào lương hay không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 13/12/2022

Khoản tạm ứng cho người lao động thực hiện công việc, nếu người lao động sử dụng hết thì có được khấu trừ vào lương hay không? Người lao động có được tạm ứng tiền lương để sử dụng cho dịp tết hay không? Quyền và nghĩa vụ của người lao động được quy định như thế nào?

Chào anh chị, cho em hỏi em đang làm việc tại một công ty xây dựng, vừa rồi công ty có giao cho em 1 tỷ đồng để mua vật liệu xây dựng. Tuy nhiên do lỡ tay tiêu tiền vào cá độ nên em không còn tiền để mua vật liệu theo yêu cầu từ công ty. Anh chị cho em hỏi em có bị khấu trừ vào tiền lương cho những khoản tiền mà em đã dùng không?

Nhờ anh chị tư vấn, cảm ơn anh chị đã hỗ trợ.

    • Khoản tạm ứng cho người lao động thực hiện công việc, nếu người lao động sử dụng hết thì có được khấu trừ vào lương hay không?

      Tại Khoản 1 Điều 22 Thông tư 200/2014/TT-BTC có quy định về nguyên tắc kế toán khi tạm ứng như sau:

      a) Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản tạm ứng của doanh nghiệp cho người lao động trong doanh nghiệp và tình hình thanh toán các khoản tạm ứng đó.

      b) Khoản tạm ứng là một khoản tiền hoặc vật tư do doanh nghiệp giao cho người nhận tạm ứng để thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh hoặc giải quyết một công việc nào đó được phê duyệt. Người nhận tạm ứng phải là người lao động làm việc tại doanh nghiệp. Đối với người nhận tạm ứng thường xuyên (thuộc các bộ phận cung ứng vật tư, quản trị, hành chính) phải được Giám đốc chỉ định bằng văn bản.

      c) Người nhận tạm ứng (có tư cách cá nhân hay tập thể) phải chịu trách nhiệm với doanh nghiệp về số đã nhận tạm ứng và chỉ được sử dụng tạm ứng theo đúng mục đích và nội dung công việc đã được phê duyệt. Nếu số tiền nhận tạm ứng không sử dụng hoặc không sử dụng hết phải nộp lại quỹ. Người nhận tạm ứng không được chuyển số tiền tạm ứng cho người khác sử dụng.

      Khi hoàn thành, kết thúc công việc được giao, người nhận tạm ứng phải lập bảng thanh toán tạm ứng (kèm theo chứng từ gốc) để thanh toán toàn bộ, dứt điểm (theo từng lần, từng khoản) số tạm ứng đã nhận, số tạm ứng đã sử dụng và khoản chênh lệch giữa số đã nhận tạm ứng với số đã sử dụng (nếu có). Khoản tạm ứng sử dụng không hết nếu không nộp lại quỹ thì phải tính trừ vào lương của người nhận tạm ứng. Trường hợp chi quá số nhận tạm ứng thì doanh nghiệp sẽ chi bổ sung số còn thiếu.

      d) Phải thanh toán dứt điểm khoản tạm ứng kỳ trước mới được nhận tạm ứng kỳ sau. Kế toán phải mở sổ kế toán chi tiết theo dõi cho từng người nhận tạm ứng và ghi chép đầy đủ tình hình nhận, thanh toán tạm ứng theo từng lần tạm ứng.

      Căn cứ theo quy định hiện hành, trong trường hợp số tiền tạm ứng sử dụng không hết nếu không nộp lại quỹ thì kế toán được quyền tính trừ vào lương của người nhận tạm ứng. Trong trường hợp của bạn, do bạn sử dụng tiền không nhằm mục đích mà công ty yêu cầu. Chính vì vậy, bạn có thể bị kế toán trừ vào lương để bù vào số tiền bạn đã nhận từ công ty.

      Người lao động có được tạm ứng tiền lương để sử dụng cho dịp tết hay không?

      Tại Điều 101 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về tạm ứng tiền lương như sau:

      1. Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.

      2. Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.

      Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.

      3. Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.

      Theo đó, người lao động vẫn có thể được tạm ứng tiền lương để sử dụng cho dịp tết nếu thỏa thuận được với người sử dụng lao động.

      Quyền và nghĩa vụ của người lao động được quy định như thế nào?

      Tại Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động như sau:

      1. Người lao động có các quyền sau đây:

      a) Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

      b) Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;

      c) Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;

      d) Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;

      đ) Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

      e) Đình công;

      g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

      2. Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:

      a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;

      b) Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;

      c) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.

      Như vậy, người lao động sẽ có những quyền và nghĩa vụ như trên.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn