Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là gì?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 06/02/2018

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Minh Thành, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tôi đang có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn!

Minh Thành (minhthanh*****@gmail.com)

    • Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là gì?
      (ảnh minh họa)
    • Theo quy định tại Điều 38 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 07/2018/NĐ-CP ngày 10/01/2018 thì nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được quy định cụ thể như sau:

      1. Nhận, quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản, đất đai, tài nguyên và các nguồn lực khác do chủ sở hữu nhà nước đầu tư cho PVN.

      2. Xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm của PVN (bao gồm chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm của Tập đoàn) báo cáo Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

      3. Quyết định kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển hàng năm của PVN và gửi quyết định đến Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, giám sát.

      4. Quyết định các Phương án huy động vốn đối với từng dự án có mức huy động không quá 30% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của PVN tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn nhưng không quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật đầu tư công.

      5. Đề nghị cấp có thẩm quyền việc quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, chấp thuận từ chức, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá đối với Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên PVN, Tổng Giám đốc PVN, phê duyệt quỹ thù lao, tiền lương hàng năm của người quản lý PVN.

      6. Quyết định quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với Tổng Giám đốc PVN sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Công Thương.

      7. Quyết định quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng PVN trên cơ sở đề nghị của Tổng Giám đốc PVN.

      8. Đề nghị Bộ Công Thương trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn điều lệ; sửa đổi, bổ sung Điều lệ PVN; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản PVN. Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị nghiên cứu khoa học, đào tạo sau khi đề nghị Bộ Công Thương thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương.

      9. Quyền quyết định dự án đầu tư công trong nước:

      a) Triển khai đầu tư các dự án quan trọng Quốc gia và dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội sau khi có quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền;

      b) Quyết định đầu tư các dự án đầu tư công thuộc nhóm A sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư;

      c) Quyết định đầu tư dự án đầu tư công thuộc nhóm B và nhóm C sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư;

      d) Thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự án đầu tư công thực hiện theo quy định của pháp luật.

      10. Quyền quyết định dự án đầu tư, xây dựng trong nước:

      a) Quyết định đầu tư các dự án đầu tư quy định tại Điều 31 Luật đầu tư năm 2014 sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư;

      b) Quyết định đầu tư các dự án đầu tư, xây dựng nhóm A không thuộc điểm a khoản này hoặc các dự án nhóm B, C có mức vốn vượt quá 50% vốn chủ sở hữu của PVN sau khi được Bộ Công Thương quyết định chủ trương đầu tư;

      c) Quyết định đầu tư các dự án đầu tư xây dựng còn lại không thuộc điểm a, b khoản này;

      d) Quyết định điều chỉnh các dự án đầu tư xây dựng do PVN làm chủ đầu tư theo quy định của pháp luật;

      đ) Quyết định chuyển nhượng/chấm dứt thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng do PVN làm chủ đầu tư. Đối với các dự án đầu tư do cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, PVN quyết định chuyển nhượng/chấm dứt thực hiện dự án sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương;

      e) Quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án đầu tư, xây dựng do PVN làm chủ đầu tư. Đối với các dự án quan trọng quốc gia có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, Bộ Công Thương quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư;

      g) Thực hiện các trách nhiệm của người có thẩm quyền được quy định tại Luật đấu thầu trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư phát triển (thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu) được nêu tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này.

      Trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật.

      11. Quyền quyết định đầu tư mua sắm tài sản cố định:

      a) Quyết định đầu tư/chuyển nhượng dự án mua sắm tài sản cố định có mức vốn tương đương giá trị dự án nhóm A theo phân loại của Luật đầu tư công sau khi được Bộ Công Thương quyết định chủ trương đầu tư;

      b) Quyết định đầu tư/chuyển nhượng dự án mua sắm tài sản cố định của PVN có mức vốn không quá giá trị dự án từ nhóm B theo phân loại của Luật đầu tư công.

      Trình tự, thủ tục đầu tư mua sắm tài sản cố định thực hiện theo quy định của pháp luật.

      12. Quyền quyết định đầu tư ra nước ngoài:

      a) Quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 29 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

      b) Thẩm quyền quyết định đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí thực hiện theo Nghị định riêng của Chính phủ và pháp luật về dầu khí.

      13. Quyền quyết định đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp:

      a) Quyết định đầu tư thành lập mới Công ty con 100% vốn của PVN sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương;

      b) Quyết định đầu tư góp vốn mới, thành lập doanh nghiệp mới trong và ngoài nước dưới các hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoặc tiếp nhận doanh nghiệp tự nguyện tham gia làm công ty con, công ty liên kết sau khi được Bộ Công Thương quyết định chủ trương;

      c) Quyết định đầu tư bổ sung vốn hoặc không tiếp tục đầu tư vốn bổ sung vào công ty con, công ty liên kết của PVN khi đơn vị tăng vốn điều lệ dẫn đến việc PVN chi phối về vốn hoặc mất tỷ lệ chi phối về vốn sau khi được Bộ Công Thương quyết định chủ trương trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản này;

      d) Quyết định đầu tư bổ sung vốn vào công ty con, công ty liên kết của PVN, tham gia góp vốn vào Hợp đồng hợp tác kinh doanh sau khi được Bộ Công Thương quyết định chủ trương đầu tư đối với các khoản đầu tư có giá trị vượt mức giá trị tương đương dự án nhóm B theo phân loại của Luật đầu tư công;

      đ) Căn cứ Đề án tái cơ cấu, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư 05 năm của PVN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hội đồng thành viên PVN quyết định các khoản đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp (bao gồm cả việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng...) không thuộc các điểm a, b, c, d và đ khoản này;

      e) Căn cứ Đề án tái cơ cấu của PVN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hội đồng thành viên PVN quyết định bán/thoái/chuyển nhượng các khoản đầu tư vốn hoặc thay đổi tỷ lệ nắm giữ phần vốn tại doanh nghiệp khác phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

      14. Quyền quyết định/thông qua chủ trương đầu tư của công ty con, công ty liên kết của PVN:

      a) Quyết định/thông qua chủ trương đầu tư/quyết định đầu tư cho Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty do PVN nắm giữ 100% vốn điều lệ, Người đại diện phần vốn của PVN tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên thực hiện biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng quản trị đối với dự án đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản cố định, đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác, đầu tư ra nước ngoài, tham gia góp vốn vào Hợp đồng hợp tác kinh doanh, Hợp đồng dầu khí;

      b) Phân cấp cho Tổng Giám đốc PVN, Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty do PVN nắm giữ 100% vốn điều lệ, Người đại diện phần vốn của PVN tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên trong phạm vi thẩm quyền;

      c) Trình tự, thủ tục đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật.

      15. Quyết định hoặc ủy quyền, phân cấp Tổng Giám đốc quyết định đầu tư, mua, bán tài sản, hợp đồng vay, cho vay, trong phạm vi thẩm quyền được quy định tại Điều lệ này và các quy định của pháp luật.

      16. Đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương vay nợ nước ngoài theo quy định của pháp luật.

      17. Quy định các quy chế quản lý nội bộ của PVN; đề nghị Bộ Công Thương phê duyệt báo cáo tài chính năm của PVN (gồm báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất), phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ.

      18. Phê duyệt thang lương, bảng lương, đơn giá tiền lương, chế độ trả lương đối với người lao động trừ các chức danh Người quản lý PVN. Quyết định lương, thưởng và các lợi ích khác đối với các chức danh do Hội đồng thành viên PVN bổ nhiệm.

      19. Quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ của PVN.

      20. Thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của PVN (bao gồm Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của Tập đoàn); phê duyệt Phương án tái cấu trúc các doanh nghiệp cấp II phù hợp với Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của Tập đoàn.

      21. Thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu đối với công ty con 100% vốn PVN, quyền của cổ đông, thành viên góp vốn tại các công ty con, công ty liên kết của PVN quy định tại Chương V của Điều lệ này.

      22. Cử Người đại diện theo ủy quyền của PVN tại công ty con, công ty liên kết; quyết định/giới thiệu/chấp thuận để bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, chấp thuận từ chức, khen thưởng, kỷ luật đối với Người quản lý tại công ty con, công ty liên kết của PVN.

      23. Chịu trách nhiệm quản lý và điều hành doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định của pháp luật và các quyết định của chủ sở hữu nhà nước; quản lý sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn có hiệu quả; báo cáo kịp thời cho chủ sở hữu nhà nước về việc doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, không bảo đảm khả năng thanh toán, không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ do chủ sở hữu nhà nước giao hoặc những trường hợp sai phạm khác.

      24. Quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện của PVN.

      25. Các quyền, trách nhiệm khác do chủ sở hữu nhà nước giao hoặc ủy quyền.

      Trên đây là nội dung tư vấn về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 07/2018/NĐ-CP.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn