Quy trình thực hiện quy hoạch nhân sự Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn Nhà nước

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 27/10/2017

Quy trình thực hiện quy hoạch nhân sự Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập. Tôi tên là Thùy Dương, đang sống và làm việc tại Tp.HCM. Tôi đang cần tìm hiểu các quy định liên quan đến việc quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Cho tôi hỏi: Quy trình thực hiện quy hoạch nhân sự Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước được thực hiện ra sao? Văn bản nào quy định về vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn.      

    • Theo quy định tại Điều 22 Nghị định 97/2015/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ ban hành thì nội dung này được quy định như sau:

      1. Giới thiệu danh sách nhân sự dự kiến đưa vào nguồn quy hoạch

      a) Cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ xây dựng kế hoạch và đề xuất danh sách nhân sự, gồm các thông tin: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quê quán; ngày vào Đảng; trình độ chuyên môn nghiệp vụ; trình độ lý luận chính trị; trình độ ngoại ngữ; chức vụ, ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức; đơn vị đang công tác; tỷ lệ phiếu giới thiệu quy hoạch các chức danh quản lý ở cấp dưới.

      b) Cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ báo cáo Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty.

      c) Hội đồng thành viên họp giới thiệu thêm nhân sự; Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định danh sách nhân sự và lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy cùng cấp.

      d) Hội đồng thành viên họp thông báo ý kiến của cấp ủy, thảo luận, bỏ phiếu kín quyết định danh sách nhân sự dự kiến để đưa ra lấy ý kiến giới thiệu tại hội nghị lấy phiếu giới thiệu nguồn quy hoạch;

      Chủ tịch công ty tham khảo ý kiến của cấp ủy, quyết định danh sách nhân sự dự kiến để đưa ra lấy ý kiến giới thiệu tại hội nghị lấy phiếu giới thiệu nguồn quy hoạch.

      2. Tổ chức hội nghị lấy phiếu giới thiệu nguồn quy hoạch

      Hội nghị được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba số người được triệu tập tham gia hội nghị.

      a) Thành phần dự hội nghị (không bao gồm các chức danh được cấp có thẩm quyền thuê)

      - Đối với việc lấy phiếu quy hoạch các chức danh quản lý ở tập đoàn

      + Ở tập đoàn: Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, trưởng ban và phó trưởng ban chuyên môn, chánh văn phòng và phó chánh văn phòng, ban thường vụ cấp ủy tập đoàn, bí thư cấp ủy công ty mẹ, chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn thanh niên.

      + Ở tổng công ty, công ty 100% vốn của tập đoàn: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, bí thư cấp ủy.

      + Ở tổng công ty, công ty mà tập đoàn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ: người đại diện phần vốn của tập đoàn, bí thư cấp ủy.

      + Ở tổng công ty, công ty mà tập đoàn nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống: người đại diện nhóm người đại diện phần vốn của tập đoàn, bí thư cấp ủy.

      + Ở đơn vị sự nghiệp của tập đoàn; người đứng đầu, bí thư cấp ủy.

      - Đối với việc lấy phiếu quy hoạch các chức danh quản lý ở tổng công ty thuộc Bộ quản lý ngành, Ủy bannhân dân cấp tỉnh

      + Ở tổng công ty: Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, trưởng phòng và phó trưởng phòng chuyên môn, chánh văn phòng và phó chánh văn phòng, ban thường vụ cấp ủy, chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn thanh niên.

      + Ở công ty 100% vốn của tổng công ty: Chủ tịch, Kiểm soát viên, Giám đốc, bí thư cấp ủy.

      + Ở công ty mà tổng công ty nắm giữ trên 50% vốn điều lệ: người đại diện phần vốn của tổng công ty, bí thư cấp ủy.

      + Ở công ty mà tổng công ty nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống: người đại diện nhóm người đại diện phần vốn của tổng công ty, bí thư cấp ủy.

      + Ở đơn vị sự nghiệp của tổng công ty: người đứng đầu, bí thư cấp ủy.

      - Đối với việc lấy phiếu quy hoạch các chức danh người quản lý ở công ty thuộc Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, trưởng phòng và phó trưởng phòng chuyên môn, chánh văn phòng và phó chánh văn phòng, ban thường vụ cấp ủy, chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn thanh niên, người đại diện phần vốn của công ty tại tổ chức, đơn vị mà công ty nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, người đại diện nhóm người đại diện phần vốn của công ty tại tổ chức, đơn vị mà công ty nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống.

      b) Nội dung hội nghị

      - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty chủ trì hội nghị, phổ biến mục đích, yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện và cơ cấu nguồn quy hoạch cho từng chức danh.

      - Cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ giới thiệu kế hoạch và danh sách nhân sự được quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 22 Nghị định này.

      - Các thành viên dự hội nghị có thể giới thiệu thêm nguồn quy hoạch ngoài danh sách đã được chuẩn bị nhưng phải có tóm tắt lý lịch, nhận xét, đánh giá do người được giới thiệu và người giới thiệu chuẩn bị.

      - Hội nghị thảo luận và tham gia ý kiến.

      - Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm theo hình thức bỏ phiếu kín. Những người trực tiếp dự hội nghị mới được bỏ phiếu, gồm các bước: ban kiểm phiếu phát phiếu và hướng dẫn cách ghi phiếu (phiếu do cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ chuẩn bị theo mẫu quy định); ghi phiếu và bỏ phiếu; ban kiểm phiếu kiểm số lượng phiếu thu về và công bố tại hội nghị: số phiếu phát ra và số phiếu thu về; ban kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu và lập biên bản kiểm phiếu.

      - Cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ tổng hợp phiếu giới thiệu, rà soát điều kiện, tiêu chuẩn từng người được giới thiệu quy hoạch cho từng chức danh.

      3. Trên cơ sở kết quả tổng hợp phiếu giới thiệu tại hội nghị, cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ báo cáo Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty danh sách những người được hội nghị giới thiệu. Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy cùng cấp. Trường hợp cấp ủy địa phương là cấp trên của cấp ủy tập đoàn, tổng công ty, công ty thì lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy địa phương.

      4. Xem xét, quyết định quy hoạch

      a) Hội đồng thành viên họp thông báo ý kiến của cấp ủy, thảo luận, bỏ phiếu kín quyết định những người được quy hoạch cho từng chức danh quản lý và phải bảo đảm yêu cầu 01 chức danh phải quy hoạch từ 02 đến 04 người, không quy hoạch 01 người cho 01 chức danh; không quy hoạch 01 người vào quá 03 chức danh; cơ cấu ba độ tuổi trong quy hoạch, dãn cách giữa các độ tuổi là 05 năm, cụ thể: dưới 40 tuổi, không dưới 15%; từ 40 đến 50 tuổi, khoảng 55% đến 65%; trên 50 tuổi, khoảng 20% đến 30%. Cấp có thẩm quyền chỉ phê duyệt quy hoạch khi đáp ứng yêu cầu này.

      Những người được trên 50% tổng số thành viên dự họp chấp thuận thì được quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào quy hoạch.

      b) Cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ báo cáo Chủ tịch công ty kết quả tổng hợp ý kiến giới thiệu tại hội nghị và ý kiến của cấp ủy đảng cùng cấp; Chủ tịch công ty tham khảo ý kiến của cấp ủy, quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào quy hoạch.

      Trên đây là nội dung tư vấn về quy trình thực hiện quy hoạch nhân sự Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 97/2015/NĐ-CP.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn