Thanh toán nợ khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản như thế nào?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 09/02/2017

Thanh toán nợ khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản như thế nào? Anh trai em (Bên B: Đội thi công) có nhận thi công công trình cho một công ty CP (Bên A), hai bên có ký kết hợp đồng cụ thể (bao gồm vật tư, NVL, nhân công, ca máy). Bên B đã thi công xong công trình theo các điều khoản trong hợp đồng, đã ký hồ sơ nghiệm thu giá trị KL thực hiện, xuất hóa đơn tài chính đầy đủ cho bên A, có BB bàn giao công trình đưa vào sử dụng, có biên bản đối chiếu công nợ giữa hai bên. Bên A đã làm bill thanh toán và chủ đầu tư đã chuyển tiền thanh toán cho bên A rồi. Theo điều khoản tạm ứng, thanh toán trong hợp đồng giữa bên A và bên B có cam kết: "Bên A cam kết thanh toán hết 100% giá trị khối lượng công việc mà bên B đã thi công xong trong vòng 15 ngày kể từ ngày phía Chủ đầu tư chuyển tiền thanh toán hạng mục đó cho bên A". đên thời điểm hiện tại bên B đã tạm ứng 60%, còn nợ 40% gần 1 năm nay. Trường hợp Công ty Cp đó mất khả năng thanh toán, tuyên bố phá sản (nhưng đã thực hiện xong nghĩa vụ thuế với nhà nước, lương cho người lao động, BHXH, tài sản thì đã thế chấp hết,...) thì anh trai em phải làm những gì để đòi được nợ và ai trong công ty Cp đó chịu trách nhiệm trả trả sau khi phá sản. Trường hợp khiếu kiện lên tòa án thì cần tuân theo điều khoản của luật nào? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

    • Tại Điều 54 Luật phá sản 2014 quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán nợ như sau:

      1. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:

      a) Chi phí phá sản;

      b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;

      c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

      d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

      2. Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã thanh toán đủ các khoản quy định tại khoản 1 Điều này mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về:

      a) Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên;

      b) Chủ doanh nghiệp tư nhân;

      c) Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

      d) Thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần;

      đ) Thành viên của Công ty hợp danh.

      3. Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều này thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

      Căn cứ vào quy định này thì thứ tự ưu tiên thanh toán nợ khi doanh nghiệp phá sản như sau:

      + Chi phí phá sản;

      + Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;

      + Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

      + Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

      Tại Điều 51 Luật phá sản 2014 quy định về xác định giá trị nghĩa vụ về tài sản như sau:

      + Nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được xác lập trước khi Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản được xác định vào thời điểm ra quyết định mở thủ tục phá sản;

      + Nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được xác lập sau khi Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản được xác định vào thời điểm ra quyết định tuyên bố phá sản.

      Trường hợp nghĩa vụ về tài sản không phải là tiền thì Tòa án nhân dân xác định giá trị nghĩa vụ về tài sản đó bằng tiền.

      Như vậy, doanh nghiệp pháp sản chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản còn lại của doanh nghiệp, nếu như đến khoản nợ của bạn mà công ty không còn khả năng thanh toán nợ thì phần nợ của bạn sẽ không thể đòi được. Doanh nghiệp đã phá sản thì sẽ không có bất kỳ ai đứng ra làm đại diện để trả nợ.

      Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thanh toán nợ khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật phá sản 2014 để nắm rõ quy định này.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn