Thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có được làm kế toán cho công ty không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 06/09/2022

Thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có được làm kế toán cho công ty không? Thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có những quyền gì?

Chào Ban biên tập, tôi có vấn đề cần được giải đáp. Tôi là thành viên góp vốn của Công ty TNHH D. Vừa rồi kế toán của công ty tôi nghỉ nhưng vẫn chưa tìm được người thay thế, tôi thắc mắc là tôi có thể làm kế toán cho công ty có được không?

Rất mong được Ban biên tập giải đáp, tôi cảm ơn.

    • Thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có được làm kế toán cho công ty không?
      (ảnh minh họa)
    • 1. Thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có được làm kế toán cho công ty không?

      Tại Điều 19 Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định những người không được làm kế toán như sau:

      1. Các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 Điều 52 Luật kế toán.

      2. Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc hoặc tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính - kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu, doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

      3. Người đang làm quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người được giao nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trường hợp trong cùng doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

      Theo Khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định giải thích từ ngữ như sau:

      24. Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

      Như vậy, thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên được coi là thành viên Hội đồng thành viên, mà thành viên Hội đồng thành viên cũng có chức năng quản lý nên không thể làm kế toán cho công ty được.

      Bạn là thành viên góp vốn của Công ty trách nhiệm hữu hạn D nên bạn không thể làm kế toán cho công ty đó.

      2. Thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có những quyền gì?

      Căn cứ Điều 49 Luật Doanh nghiệp 2020 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 7 Luật sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự 2022 quy định quyền của thành viên công ty như sau:

      1. Thành viên công ty có các quyền sau đây:

      a) Tham dự họp Hội đồng thành viên, thảo luận, kiến nghị, biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên;

      b) Có số phiếu biểu quyết tương ứng với phần vốn góp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 47 của Luật này;

      c) Được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;

      d) Được chia giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với phần vốn góp khi công ty giải thể hoặc phá sản;

      đ) Được ưu tiên góp thêm vốn vào công ty khi công ty tăng vốn điều lệ;

      e) Định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ, tặng cho và hình thức khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;

      g) Tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật và người quản lý khác theo quy định tại Điều 72 của Luật này;

      h) Quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

      2. Ngoài các quyền quy định tại khoản 1 Điều này, thành viên, nhóm thành viên sở hữu từ 10% số vốn điều lệ trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này có các quyền sau đây:

      a) Yêu cầu triệu tập họp Hội đồng thành viên để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền;

      b) Kiểm tra, xem xét, tra cứu sổ ghi chép và theo dõi các giao dịch, sổ kế toán, báo cáo tài chính hằng năm;

      c) Kiểm tra, xem xét, tra cứu và sao chụp sổ đăng ký thành viên, biên bản họp, nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên và tài liệu khác của công ty;

      d) Yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng thành viên, nếu trình tự, thủ tục, điều kiện cuộc họp hoặc nội dung nghị quyết, quyết định đó không thực hiện đúng hoặc không phù hợp với quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

      3. Trường hợp công ty có một thành viên sở hữu trên 90% vốn điều lệ và Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại khoản 2 Điều này thì nhóm thành viên còn lại đương nhiên có quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này.

      Do đó, khi trở thành thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên sẽ có những quyền được nên trên.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn