Trường hợp nào công ty cổ phần không bắt buộc phải có ban kiểm soát?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 05/07/2022

Trường hợp nào công ty cổ phần không bắt buộc phải có ban kiểm soát? Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần có những quyền và nghĩa vụ nào?

Chào ban biên tập, công ty tôi là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoạt động kinh doanh hàng hóa muốn chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty cổ phần, nhưng có một vấn đề là khi chuyển sang loại hình công ty cổ phần thì có bắt buộc phải có ban kiểm soát không hay có trường hợp nào không cần thành lập ban kiểm soát không? Xin nhờ ban biên tập tư vấn.

    • Trường hợp nào công ty cổ phần không bắt buộc phải có ban kiểm soát?

      Căn cứ Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần như sau:

      1. Trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác, công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:

      a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;

      b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán quy định tại Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán do Hội đồng quản trị ban hành.

      2. Trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

      Như vậy, khi doanh nghiệp anh/chị chuyển đổi thành công ty cổ phần mà có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát.

      Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần có những quyền và nghĩa vụ nào?

      Theo Khoản 2 Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định quyền và nghĩa vụ của đại hội đồng cổ đông như sau:

      2. Đại hội đồng cổ đông có quyền và nghĩa vụ sau đây:

      a) Thông qua định hướng phát triển của công ty;

      b) Quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; quyết định mức cổ tức hằng năm của từng loại cổ phần;

      c) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên;

      d) Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ hoặc một giá trị khác;

      đ) Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;

      e) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;

      g) Quyết định mua lại trên 10% tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại;

      h) Xem xét, xử lý vi phạm của thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên gây thiệt hại cho công ty và cổ đông công ty;

      i) Quyết định tổ chức lại, giải thể công ty;

      k) Quyết định ngân sách hoặc tổng mức thù lao, thưởng và lợi ích khác cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát;

      l) Phê duyệt quy chế quản trị nội bộ; quy chế hoạt động Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát;

      m) Phê duyệt danh sách công ty kiểm toán độc lập; quyết định công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm tra hoạt động của công ty, bãi miễn kiểm toán viên độc lập khi xét thấy cần thiết;

      n) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn