Có được thi tốt nghiệp phổ thông khi đã 40 tuổi?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 15/09/2022

Có được thi tốt nghiệp phổ thông khi đã 40 tuổi? Điều kiện dự thi trung học phổ thông là gì? Đăng ký dự thi tốt nghiệp phổ thông được pháp luật quy định ra sao?

Chao Ban biên tập. Lúc trước tôi đã hoàn thành chương trình phổ thông nhưng do hoàn cảnh nên tôi chưa thi tốt nghiệp để lấy bằng tốt nghiệp phổ thông. Ban biên tập cho tôi hỏi, năm nay tôi 40 tuổi thì có được thi tốt nghiệp phổ thông hay không? Điều kiện dự thi là gì?

Nhờ Ban biên tập tư vấn giúp tôi. Tôi cảm ơn.

    • 1. Có được thi tốt nghiệp phổ thông khi đã 40 tuổi?

      Tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT quy định về đối tượng dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông như sau:

      1. Đối tượng dự thi gồm:

      a) Người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi;

      b) Người đã học xong chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước;

      c) Người đã có Bằng tốt nghiệp THPT, người đã có Bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả làm cơ sở đăng ký xét tuyển sinh;

      d) Một số trường hợp đặc biệt khác do Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định.

      Như vậy, mặc dù anh đã 40 tuổi nhưng anh đã hoàn thành xong chương trình phổ thông nên anh thuộc đối tượng được thi tốt nghiệp phổ trong năm tổ chức thi.

      2. Điều kiện dự thi trung học phổ thông là gì?

      Tại Khoản 2 Điều 12 Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Thông tư 05/2021/TT/BGDĐT quy định về điều kiện dự thi trung học phổ thông như sau:

      2. Điều kiện dự thi:

      a) Đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này phải bảo đảm được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém; riêng đối với người học thuộc diện không phải xếp loại hạnh kiểm và người học theo hình thức tự học có hướng dẫn thuộc chương trình GDTX thì không yêu cầu xếp loại hạnh kiểm;

      b) Đối tượng quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này phải có Bằng tốt nghiệp THCS và phải bảo đảm được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém; trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do xếp loại học lực kém ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học đối với một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0 (năm) điểm (tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc trường phổ thông nơi ĐKDT), bảo đảm khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm thì đủ điều kiện dự thi về xếp loại học lực theo quy định; trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, phải được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận việc chấp hành chính sách pháp luật và các quy định của địa phương để được trường phổ thông nơi học lớp 12 xác nhận đủ điều kiện dự thi về xếp loại hạnh kiểm theo quy định;

      c) Đối tượng đã tốt nghiệp trung cấp quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này phải bảo đảm đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ GDĐT;

      d) Các đối tượng dự thi phải ĐKDT và nộp đầy đủ các giấy tờ đúng thời hạn.

      Trên đây là điều kiện dự thi tốt nghiệp phổ thông được quy định theo pháp luật.

      3. Đăng ký dự thi tốt nghiệp phổ thông được pháp luật quy định ra sao?

      Tại Điều 13 Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT quy định về đăng ký dự thi tốt nghiệp phổ thông như sau:

      1. Nơi ĐKDT:

      a) Đối tượng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Quy chế này ĐKDT tại trường phổ thông nơi học lớp 12;

      b) Đối tượng theo quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 12 Quy chế này ĐKDT tại địa điểm (gọi là nơi ĐKDT) do sở GDĐT quy định. Thủ trưởng đơn vị nơi ĐKDT có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 60 Quy chế này.

      2. Hồ sơ ĐKDT:

      a) Đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Quy chế này, hồ sơ ĐKDT gồm: 02 Phiếu ĐKDT giống nhau; bản chính hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu (gọi chung là bản sao) học bạ THPT hoặc học bạ GDTX cấp THPT hoặc phiếu kiểm tra của người học theo hình thức tự học đối với GDTX do Hiệu trưởng trường phổ thông cấp; các giấy chứng nhận hợp lệ để được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích (nếu có), bản sao Sổ đăng ký hộ khẩu thường trú để được hưởng chế độ ưu tiên liên quan đến nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; 02 ảnh cỡ 4x6 cm;

      b) Đối với đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Quy chế này, ngoài các hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, hồ sơ ĐKDT phải có thêm: Giấy xác nhận của trường phổ thông nơi thí sinh học lớp 12 hoặc nơi thí sinh ĐKDT về xếp loại học lực đối với những học sinh xếp loại kém về học lực quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 Quy chế này; bản sao Bằng tốt nghiệp THCS; Giấy xác nhận điểm bảo lưu (nếu có) do Hiệu trưởng trường phổ thông nơi thí sinh đã dự thi năm trước xác nhận;

      c) Đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT, hồ sơ ĐKDT gồm: 02 Phiếu ĐKDT giống nhau; bản sao Bằng tốt nghiệp THPT; 02 ảnh cỡ 4x6 cm;

      d) Đối với thí sinh đã tốt nghiệp trung cấp, hồ sơ ĐKDT gồm: 02 Phiếu ĐKDT giống nhau; 02 ảnh cỡ 4x6 cm; bản sao Bằng tốt nghiệp THCS, bản sao Bằng tốt nghiệp trung cấp, bản sao Sổ học tập hoặc bảng điểm học các môn văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ GDĐT.

      3. Thời gian nộp hồ sơ ĐKDT:

      Thời gian nộp hồ sơ ĐKDT được quy định trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ GDĐT. Khi hết hạn nộp hồ sơ ĐKDT, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo kịp thời cho Hiệu trưởng trường phổ thông hoặc Thủ trưởng đơn vị nơi ĐKDT hoặc thông báo cho Trưởng Điểm thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung.

      4. Tổ chức ĐKDT:

      a) Thí sinh ĐKDT theo các quy định và hướng dẫn của Bộ GDĐT;

      b) Thí sinh hoàn thiện và nộp hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp THPT tại trường phổ thông hoặc nơi ĐKDT theo quy định trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ GDĐT;

      c) Hiệu trưởng trường phổ thông hoặc Thủ trưởng đơn vị nơi ĐKDT chịu trách nhiệm hướng dẫn thí sinh ĐKDT, thu Phiếu ĐKDT, nhập thông tin thí sinh ĐKDT, nhập thông tin về kết quả học tập các môn học lớp 12 của thí sinh học lớp 12 năm tổ chức kỳ thi; tổ chức xét duyệt hồ sơ ĐKDT và thông báo công khai những trường hợp không đủ điều kiện dự thi quy định tại khoản 2 Điều 12 Quy chế này chậm nhất trước ngày thi 15 ngày; quản lý hồ sơ ĐKDT và chuyển hồ sơ, dữ liệu ĐKDT cho sở GDĐT;

      d) Sở GDĐT quản trị dữ liệu ĐKDT của thí sinh và gửi dữ liệu về Bộ GDĐT;

      đ) Bộ GDĐT quản trị dữ liệu ĐKDT toàn quốc.

      Theo đó, việc đăng ký dự thi tốt nghiệp phổ thông được thực hiện như trên.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn