Giảng viên hạng I có cần phải có bằng tiến sỹ không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 26/07/2022

Giảng viên hạng I có cần phải có bằng tiến sỹ không? Giảng viên hạng I có nhiệm vụ gì khi giảng dạy? 

Tôi tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Văn tại Đại học Sư phạm TP. HCM năm 2020. Sau đó tôi ra trường và được mời làm giảng viên chuyên ngành Văn cho trường THPT tại Thủ Đức. Tôi nghe nói là giảng viên phải có bằng tiến sỹ mới được xem là giảng viên cấp cao hạng I, như vậy có đúng không? Giảng viên hạng I có nhiệm vụ gì khi giảng dạy? 

Mong anh chị tư vấn giải đáp. Tôi cảm ơn.

    • Giảng viên hạng I có cần phải có bằng tiến sỹ không?
      (ảnh minh họa)
    • Giảng viên hạng I có cần phải có bằng tiến sỹ không?

      Căn cứ Khoản 2 Điều 7 Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 2 Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT quy định giảng viên cao cấp (hạng 1) - Mã số: V.07.01.01, theo đó:

      2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

      a) Có bằng tiến sỹ phù hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy;

      b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học.

      Theo đó, bạn muốn trở thành giảng viên hạng I phải đáp ứng điều kiện có bằng tiến sỹ phù hợp với vị trí chuyên ngành giảng dạy của bạn.

      Giảng viên hạng I có nhiệm vụ gì khi giảng dạy?

      Tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT về giảng viên cao cấp (hạng 1) - Mã số: V.07.01.01, quy định nhiệm vụ của giảng viên, cụ thể như sau:

      1. Nhiệm vụ:

      a) Giảng dạy; hướng dẫn và chấm đồ án, khóa luận tốt nghiệp; hướng dẫn luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ; chủ trì hoặc tham gia các hội đồng đánh giá luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ;

      b) Chủ trì xây dựng, phát triển chương trình đào tạo của chuyên ngành; đề xuất phương hướng, biện pháp phát triển của ngành hoặc chuyên ngành; chủ động cập nhật thường xuyên những thành tựu khoa học vào việc xây dựng, phát triển chương trình đào tạo; đổi mới phương pháp giảng dạy và phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của người học;

      c) Chủ trì hoặc tham gia biên soạn sách phục vụ đào tạo; chủ trì hoặc tham gia thực hiện chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học; định hướng nghiên cứu khoa học cho khoa, nhóm chuyên môn;

      d) Chủ trì hoặc tham gia đánh giá các đề án, đề tài nghiên cứu khoa học; tổ chức và trình bày báo cáo khoa học tại các hội nghị, hội thảo khoa học. Chủ trì hoặc tham gia nghiệm thu và công bố các báo cáo khoa học, các công trình nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm đóng góp vào sự phát triển của khoa và chuyên ngành; tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học;

      đ) Tổ chức hướng dẫn người học nghiên cứu khoa học; hướng dẫn người học phương pháp học tập, nghiên cứu có hiệu quả; phát hiện năng lực sở trường của người học để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tài năng;

      e) Chủ trì hoặc tham gia bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên theo yêu cầu phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của khoa hoặc chuyên ngành;

      g) Học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy; tham gia hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học;

      h) Tham gia công tác quản lý, công tác Đảng, đoàn thể và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học công lập và quy định khác của pháp luật có liên quan.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn