Giáo viên tham gia giáo dục hòa nhập có phải bảo mật thông tin về tình trạng của người khuyết tật không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 09/09/2022

Giáo viên tham gia giáo dục hòa nhập có phải bảo mật thông tin về tình trạng của người khuyết tật không? Người khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập thực hiện các nhiệm vụ nào? Người khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập được nhập học cao hơn độ tuổi quy định không?

Xin chào ban biên tập, con tôi bị khuyết tật, bây giờ cho cháu đi học giáo dục hòa nhập thì giáo viên dạy có phải giữ bí mật thông tin tình trạng của cháu không, tôi sợ nhiều người biết đến làm ảnh hưởng tâm lý của cháu? Xin được giải đáp.

    • 1. Giáo viên tham gia giáo dục hòa nhập có phải bảo mật thông tin về tình trạng của người khuyết tật không?

      Căn cứ Điều 11 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT quy định nhiệm vụ của giáo viên, giảng viên như sau:

      Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ theo quy định đối với nhà giáo, giáo viên, giảng viên tham gia giáo dục hòa nhập thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

      1. Tôn trọng và thực hiện các quyền của người khuyết tật.

      2. Bảo mật thông tin về tình trạng khuyết tật của cá nhân người khuyết tật và gia đình người khuyết tật.

      3. Phối hợp với nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật và gia đình người khuyết tật lập kế hoạch giáo dục cá nhân đối với người khuyết tật học hòa nhập; tổ chức hoạt động giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục theo kế hoạch giáo dục cá nhân của người khuyết tật.

      4. Phát hiện và đề xuất giải pháp xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện giáo dục hòa nhập.

      5. Tư vấn cho người khuyết tật và gia đình người khuyết tật về dịch vụ hỗ trợ, can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập, định hướng nghề nghiệp phù hợp với khả năng và nhu cầu của người khuyết tật.

      6. Phối hợp với đồng nghiệp, gia đình và các tổ chức, cá nhân có liên quan để xây dựng môi trường giáo dục hòa nhập, thân thiện đối với người khuyết tật.

      7. Thường xuyên tự bồi dưỡng, đổi mới phương pháp, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả giáo dục hòa nhập.

      Như vậy, giáo viên tham gia giáo dục hòa nhập có nhiệm vụ phải bảo mật thông tin về tình trạng khuyết tật của cá nhân người khuyết tật và gia đình người khuyết tật. Do đó, con anh/chị bị khuyết tật khi đi học hòa nhập sẽ được giáo viên bảo mật thông tin tình trạng của cháu.

      2. Người khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập thực hiện các nhiệm vụ nào?

      Theo Điều 14 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT quy định nhiệm vụ của người khuyết tật như sau:

      Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ của người học theo quy định, người khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

      1. Học tập và rèn luyện theo kế hoạch giáo dục cá nhân của người khuyết tật

      2. Thông tin tình hình sức khỏe, khả năng học tập, đề xuất nhu cầu hỗ trợ với gia đình, cơ sở giáo dục khi cần thiết.

      3. Tôn trọng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục; đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ nhau trong học tập và rèn luyện; thực hiện nội quy nhà trường; giữ gìn và bảo vệ tài sản chung.

      Theo đó, người khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập thực hiện các nhiệm vụ của người học theo quy định nêu trên.

      3. Người khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập được nhập học cao hơn độ tuổi quy định không?

      Tại Điều 15 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT quy định quyền của người khuyết tật như sau:

      Ngoài các quyền của người học theo quy định, người khuyết tật học hòa nhập được hưởng các quyền sau đây:

      1. Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi nhập học theo quy định.

      2. Được học tập trong các cơ sở giáo dục phù hợp với trình độ, năng lực; được quan tâm, tôn trọng và bảo vệ, đối xử bình đẳng trong học tập, trong các hoạt động giáo dục để phát triển khả năng cá nhân; được cung cấp thông tin, cấp sách giáo khoa, học phẩm, học bổng theo quy định.

      3. Người khuyết tật được học tập, rèn luyện và hỗ trợ trong các giờ học cá nhân về kiến thức, kỹ năng đặc thù để học hòa nhập có hiệu quả.

      4. Được tư vấn về dịch vụ hỗ trợ, can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập, định hướng nghề nghiệp phù hợp với khả năng và nhu cầu của người khuyết tật.

      5. Được bảo mật thông tin về tình trạng khuyết tật.

      6. Được tuyên dương, khen thưởng khi có thành tích trong học tập, rèn luyện.

      7. Được hưởng chính sách, chế độ về giáo dục đối với người khuyết tật theo quy định tại Thông tư số 42 và các quy định hiện hành khác.

      Theo quy định, người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi nhập học theo quy định.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn