Bên vận chuyển hàng không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra do vận chuyển chậm do bão không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 07/06/2022

Bên vận chuyển hàng không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra do vận chuyển chậm do bão không? Mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển hàng không quy định như thế nào? Công ty tôi và bên vận chuyển hàng không có ký kết với nhau hợp đồng vận chuyển hàng hóa. Có quy định thời gian đến để tránh thiệt hại. Nhưng do thời tiết thay đổi bất thường, khó khăn trong việc di chuyển nên tất cả hoạt động hàng không tại đây đều phải dừng lại. Do vận chuyển không kịp thời nên hàng hoá đã bị thiệt hại. Tôi có thể yêu cầu bên vận chuyển hàng không bồi thường được không? Xin cảm ơn!

    • Bên vận chuyển hàng không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra do vận chuyển chậm do bão không?

      Căn cứ Điều 164 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006' onclick="vbclick('32B7', '366330');" target='_blank'>Điều 164 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 quy định về bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm như sau:

      1. Người vận chuyển có trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra do vận chuyển chậm, trừ trường hợp chứng minh được mình, nhân viên và đại lý của mình không thể áp dụng hoặc đã áp dụng mọi biện pháp để tránh thiệt hại nhưng thiệt hại vẫn xảy ra.

      2. Việc bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm không vượt quá mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 166 của Luật này.

      Theo đó, do thời tiết thay đổi bất thường nên các hoạt động hàng không phải dừng lại, bên hãng hàng không không thể áp dụng để tránh thiệt hại. Nhưng thiệt hại vẫn xảy ra nên hãng hàng không không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm trong trường hợp trên.

      Mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển hàng không

      Căn cứ tại Điều 166 Luật trên quy định về mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển hàng không như sau:

      1. Người vận chuyển được hưởng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

      a) Đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách là một trăm nghìn đơn vị tính toán cho mỗi hành khách;

      b) Đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm là bốn nghìn một trăm năm mươi đơn vị tính toán cho mỗi hành khách;

      c) Đối với vận chuyển hành lý, bao gồm cả hành lý ký gửi và hành lý xách tay, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm là một nghìn đơn vị tính toán cho mỗi hành khách; trường hợp hành khách có kê khai giá trị của việc nhận hành lý ký gửi tại địa điểm đến và trả một khoản phí bổ sung thì người vận chuyển phải bồi thường theo mức giá trị đã được kê khai, trừ trường hợp người vận chuyển chứng minh được rằng giá trị đã kê khai lớn hơn giá trị thực tế;

      d) Đối với vận chuyển hàng hóa, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm là mười bảy đơn vị tính toán cho mỗi kilôgam hàng hóa; trường hợp người gửi hàng có kê khai giá trị của việc nhận hàng hóa tại nơi đến và trả một khoản phí bổ sung thì người vận chuyển phải bồi thường theo mức giá trị đã được kê khai, trừ trường hợp người vận chuyển chứng minh được rằng giá trị đã kê khai lớn hơn giá trị thực tế.

      2. Đơn vị tính toán là đơn vị tiền tệ do Quỹ tiền tệ quốc tế xác định và được quy ước là Quyền rút vốn đặc biệt. Đơn vị tính toán được chuyển đổi sang Đồng Việt Nam theo tỷ giá chính thức do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thanh toán.

      3. Trọng lượng của kiện hàng hóa bị mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc bị vận chuyển chậm được sử dụng để xác định giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong trường hợp vận chuyển hàng hóa. Trường hợp phần hàng hóa bị mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc vận chuyển chậm làm ảnh hưởng đến giá trị của các kiện hàng hóa khác trong cùng một vận đơn hàng không hoặc biên lai hàng hóa thì trọng lượng của toàn bộ các kiện hàng hóa được sử dụng để xác định giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển.

      4. Người vận chuyển chỉ được hưởng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại điểm a khoản 1 Điều này trong trường hợp người vận chuyển chứng minh được rằng thiệt hại xảy ra không phải do lỗi của mình hoặc hoàn toàn do lỗi của bên thứ ba.

      5. Người vận chuyển không được hưởng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này trong trường hợp người vận chuyển, nhân viên hoặc đại lý của người vận chuyển thực hiện hành vi gây thiệt hại một cách cố ý hoặc do sự cẩu thả nhưng với nhận thức rằng thiệt hại có thể xảy ra. Trong trường hợp hành vi đó do nhân viên hoặc đại lý thực hiện thì phải chứng minh được rằng nhân viên hoặc đại lý đó đã hành động khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

      6. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1 Điều này.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn