Chỉ có ga đón, trả khách mới được xem là ga đường sắt phải không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 29/12/2022

Chỉ có ga đón, trả khách mới được xem là ga đường sắt phải không? Tại ga đường sắt có được phép xây dựng các công trình kinh doanh dịch vụ thương mại hay không? Gia đình tôi ở gần ga đón trả khách, cho tôi hỏi chỉ có ga đón, trả khách mới được xem là ga đường sắt phải không? Cảm ơn anh chị rất nhiều!

    • Chỉ có ga đón, trả khách mới được xem là ga đường sắt phải không?

      Tại Khoản 1 Điều 16 Luật Đường sắt 2017 có quy định về ga đường sắt như sau:

      1. Ga đường sắt được phân loại như sau:

      a) Ga hành khách để đón, trả khách, thực hiện dịch vụ liên quan đến vận tải hành khách, tác nghiệp kỹ thuật và kinh doanh dịch vụ thương mại khác;

      b) Ga hàng hoá để giao, nhận, xếp, dỡ, bảo quản hàng hoá, thực hiện dịch vụ khác liên quan đến vận tải hàng hoá và tác nghiệp kỹ thuật;

      c) Ga kỹ thuật để thực hiện các tác nghiệp kỹ thuật phục vụ chạy tàu;

      d) Ga hỗn hợp có chức năng của 02 hoặc 03 loại ga quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

      Như vậy, căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành thì ngoài Ga hành khách để đón, trả khách. Ga đường sắt còn có Ga hàng hoá để giao, nhận, xếp, dỡ, bảo quản hàng hoá; Ga kỹ thuật; Ga hỗn hợp có chức năng được quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật Đường sắt 2017.

      Tại ga đường sắt có được phép xây dựng các công trình kinh doanh dịch vụ thương mại hay không?

      Tại Khoản 2 Điều 16 Luật Đường sắt 2017 có quy định về các yêu cầu ga đường sắt cần phải đáp ứng:

      2. Ga đường sắt phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

      a) Tùy theo cấp kỹ thuật ga, ga đường sắt gồm có nhà ga, quảng trường, kho, bãi hàng, ke ga, tường rào, khu dịch vụ, trang thiết bị cần thiết và công trình khác có liên quan đến hoạt động đường sắt;

      b) Ga đường sắt phải có tên ga và thông tin, chỉ dẫn cho khách hàng. Tên ga không trùng nhau và phù hợp với địa danh, lịch sử, văn hóa, thuần phong mỹ tục của địa phương. Tại các ga trên đường sắt quốc gia trong đô thị loại III trở lên, ga đầu mối, ga liên vận quốc tế phải bố trí nơi làm việc cho cơ quan quản lý nhà nước hoạt động thường xuyên có liên quan đến hoạt động đường sắt theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

      c) Phải có hệ thống thoát hiểm; hệ thống phòng cháy và chữa cháy; hệ thống cấp điện, chiếu sáng, thông gió; hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống bảo đảm vệ sinh môi trường và yêu cầu kỹ thuật khác của nhà ga;

      d) Ga hành khách phải có công trình, thiết bị chỉ dẫn tiếp cận cho người khuyết tật và đối tượng được ưu tiên theo quy định của pháp luật; hệ thống điện thoại khẩn cấp, phương tiện sơ cứu y tế;

      đ) Ga liên vận quốc tế, ga trung tâm phải có kiến trúc mang đặc trưng lịch sử, bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, vùng miền. Ga đường sắt tốc độ cao phải có thiết bị kiểm soát bảo đảm an ninh, an toàn;

      e) Tại các ga đường sắt quốc gia, ga đường sắt đô thị được phép xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng.

      Như vậy, căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành thì chỉ tại các ga đường sắt quốc gia, ga đường sắt đô thị thì mới được phép xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ thương mại.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn