Chơi thể thao trên đường có bị phạt không?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 19/11/2016

Chơi thể thao trên đường có bị phạt không? Chào Ban biên tập Thư Ký Luật, khi tham gia giao thông, tôi thấy nhiều người đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông ở ngay trên đường, thậm chí có lúc còn lấn ra giữa đường. Tôi thấy việc này rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông cũng như những người chơi. Tôi muốn hỏi, việc chơi thể thao trên đường như vậy có được phép không? Có quy định xử phạt nào cho hành vi này không? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật tư vấn giúp. Xin cám ơn (Kim Linh_098**)

    • Điều 36 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về việc sử dụng đường phố và các hoạt động khác trên đường phố như sau:

      “1. Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông.

      2. Các hoạt động khác trên đường phố phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật này, trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

      3. Không được thực hiện các hành vi sau đây:

      a) Các hành vi quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật này;

      b) Đổ rác hoặc phế thải không đúng nơi quy định;

      c) Xây, đặt bục, bệ trái phép trên đường”

      Khoản 1, Điều 35, Luật Giao thông đường bộ quy định việc tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ thực hiện theo quy định sau đây:
      a) Cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng đường bộ để tiến hành hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền thống nhất bằng văn bản về phương án bảo đảm giao thông trước khi xin phép tổ chức các hoạt động trên theo quy định của pháp luật;

      b) Trường hợp cần hạn chế giao thông hoặc cấm đường thì cơ quan quản lý đường bộ phải ra thông báo phương án phân luồng giao thông; cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng đường bộ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phải thực hiện việc đăng tải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ;

      c) Ủy ban nhân dân nơi tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương tổ chức việc phân luồng, bảo đảm giao thông tại khu vực diễn ra hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội.

      Căn cứ theo các quy định nói trên, việc các cá nhân, tổ chức thực hiện đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông theo hình thức tự phát, không nằm trong các hoạt động văn hóa, thể thao được phép tổ chức theo quy định kể trên nghĩa là đã thực hiện hoạt động thể thao trái phép trên đường giao thông.

      Như vậy, người thực hiện vi phạm đã sử dụng lòng đường trái phép và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 11, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong hành vi vi phạm sau đây: “Đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông hoặc các hoạt động thể thao khác trái phép trên đường bộ; sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy”.

      Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về hành vi chơi thể thao trên đường. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật giao thông đường bộ 2008 để nắm rõ quy định này.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn