Kiểm toán Nhà nước ban hành quy trình kiểm toán đối với vụ việc có dấu hiệu tham nhũng?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 19/05/2023

Xin hỏi: Quy trình kiểm toán đối với vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được tiến hành theo mấy bước? Kiểm toán theo Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước được áp dụng trong trường hợp nào?- Câu hỏi anh Hòa (Hà Giang).

    • Kiểm toán Nhà nước ban hành quy trình kiểm toán đối với vụ việc có dấu hiệu tham nhũng?

      Ngày 16/5/2023, Kiểm toán Nhà nước ban hành Quyết định 07/2023/QĐ-KTNN về Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

      Theo đó tại Quyết định 07/2023/QĐ-KTNN có quy định 03 bước trong Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng bao gồm:

      Bước 1: Phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng;

      Bước 2: Xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng;

      Bước 3: Xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

      Lưu ý: Quyết định 07/2023/QĐ-KTNN có hiệu lực thi hành sau 45 ngày ký.

      Kiểm toán Nhà nước ban hành quy trình kiểm toán đối với vụ việc có dấu hiệu tham nhũng? (Hình từ Internet)

      Kiểm toán theo Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước được áp dụng trong trường hợp nào?

      Tại Điều 6 Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng bành hành kèm theo Quyết định 07/2023/QĐ-KTNN có quy định kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước như sau:

      Kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước

      1. Các trường hợp kiểm toán theo Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước:

      a) Vụ việc có dấu hiệu tham nhũng là một cuộc kiểm toán có trong Kế hoạch kiểm toán năm, Kế hoạch kiểm toán bổ sung của Kiểm toán nhà nước.

      b) Vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thuộc nội dung, phạm vi kiểm toán của một cuộc kiểm toán có trong Kế hoạch kiểm toán năm, Kế hoạch kiểm toán bổ sung.

      c) Vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được tiếp nhận liên quan đến một cuộc kiểm toán đang trong quá trình thực hiện kiểm toán được Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định tách thành một cuộc kiểm toán khác.

      2. Trong quá trình thực hiện các cuộc kiểm toán theo quy định tại khoản 1 Điều này phát hiện các bằng chứng kiểm toán nghi ngờ dấu hiệu tham nhũng, tội phạm, ngoài việc thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định tại Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước thì Đoàn kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán phải thực hiện các bước quy định tại Quy trình này.

      Như vậy, kiểm toán theo Quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước được áp dụng trong 03 trường hợp như sau:

      - Vụ việc có dấu hiệu tham nhũng là cuộc kiểm toán có trong Kế hoạch kiểm toán năm, Kế hoạch kiểm toán bổ sung của Kiểm toán Nhà nước;

      - Vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thuộc nội dung, phạm vi kiểm toán của một cuộc kiểm toán có trong Kế hoạch kiểm toán năm, Kế hoạch kiểm toán bổ sung;

      - Vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được tiếp cận liên quan đến một cuộc kiểm toán đang trong quá trình thực hiện kiểm toán được Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định tách thành một cuộc kiểm toán khác.

      Đối tượng nào sẽ áp dụng quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng?

      Tại Điều 3 Quyết định 07/2023/QĐ-KTNN có quy định về đối tượng áp dụng quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng bao gồm:

      - Các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện các cuộc kiểm toán, các Đoàn kiểm toán của Kiểm toán nhà nước;

      - Các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát chất lượng kiểm toán;

      - Tổ chức, cá nhân được ủy thác hoặc thuê thực hiện kiểm toán, cộng tác viên Kiểm toán nhà nước;

      - Đơn vị được kiểm toán và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

      Các hành vi tham nhũng nào sẽ áp dụng quy trình kiểm toán?

      Tại khoản 2 Điều 4 Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng bành hành kèm theo Quyết định 07/2023/QĐ-KTNN có quy định các hành vi tham nhũng sẽ áp dụng quy trình kiểm toán bao gồm:

      (1) Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:

      - Tham ô tài sản;

      - Nhận hối lộ;

      - Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;

      - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

      - Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

      - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;

      - Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;

      - Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;

      - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản cộng vì vụ lợi;

      - Nhũng nhiễu vì vụ lợi;

      - Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

      - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

      (2) Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:

      - Tham ô tài sản;

      - Nhận hối lộ;

      - Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn