Kiểm toán viên hành nghề có được kiểm toán công ty mà mình có cổ phần không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 28/11/2022

Kiểm toán viên hành nghề có được kiểm toán công ty mà mình có cổ phần không? Phải làm kiểm toán bao nhiêu năm mới được đăng ký hành nghề kiểm toán? Kiểm toán viên có những quyền gì khi thực hiện kiểm toán tại doanh nghiệp? 

Xin chào ban biên tập, em đang học chuyên ngành kiểm toán trường đại học X, em có một số thắc mắc là trở thành kiểm toán viên mà mình có cổ phần trong một công ty thì mình có được thực hiện kiểm toán công ty đó không? Đi làm kiểm toán bao nhiêu năm thì mình mới đủ điều kiện để đăng ký hành nghề? Xin được giải đáp.

    • Kiểm toán viên hành nghề có được kiểm toán công ty mà mình có cổ phần không?
      (ảnh minh họa)
    • 1. Kiểm toán viên hành nghề có được kiểm toán công ty mà mình có cổ phần không?

      Căn cứ Điều 19 Luật kiểm toán độc lập 2011 quy định các trường hợp kiểm toán viên hành nghề không được thực hiện kiểm toán như sau:

      Kiểm toán viên hành nghề không được thực hiện kiểm toán trong các trường hợp sau đây:

      1. Là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc mua cổ phần, góp vốn vào đơn vị được kiểm toán;

      2. Là người giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát hoặc là kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán;

      3. Là người đã từng giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán cho các năm tài chính được kiểm toán;

      4. Trong thời gian hai năm, kể từ thời điểm thôi giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán;

      5. Là người đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề công việc ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính hoặc thực hiện kiểm toán nội bộ cho đơn vị được kiểm toán;

      6. Là người đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề dịch vụ khác với các dịch vụ quy định tại khoản 5 Điều này có ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán viên hành nghề theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán;

      7. Có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là người có lợi ích tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp đáng kể trong đơn vị được kiểm toán theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán hoặc là người giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán;

      8. Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

      Như vậy, kiểm toán viên hành nghề không được thực hiện kiểm toán đối với công ty mà mình có cổ phần, góp vốn vào. Đây là hành vi trái pháp luật, việc kiểm toán có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các báo cáo tài chính, công việc được kiểm toán của công ty.

      2. Phải làm kiểm toán bao nhiêu năm mới được đăng ký hành nghề kiểm toán?

      Theo Điều 15 Luật kiểm toán độc lập 2011 quy định đăng ký hành nghề kiểm toán như sau:

      1. Người có đủ các điều kiện sau đây được đăng ký hành nghề kiểm toán:

      a) Là kiểm toán viên;

      b) Có thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ ba mươi sáu tháng trở lên;

      c) Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức.

      2. Người có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện đăng ký hành nghề kiểm toán và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định của Bộ Tài chính.

      3. Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

      4. Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán chỉ có giá trị khi người được cấp có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian cho một doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.

      Theo đó, người muốn đăng ký hành nghề kiểm toán phải thực hiện công việc kiểm toán ít nhất ba mươi sáu tháng (tương đương 3 năm) trở lên và đáp ứng các điều kiện khác quy định ở trên.

      3. Kiểm toán viên có những quyền gì khi thực hiện kiểm toán tại doanh nghiệp?

      Tại Điều 17 Luật kiểm toán độc lập 2011 quy định quyền của kiểm toán viên hành nghề như sau:

      Khi hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam, kiểm toán viên hành nghề có các quyền sau đây:

      1. Hành nghề kiểm toán theo quy định của Luật này;

      2. Độc lập về chuyên môn nghiệp vụ;

      3. Yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu cần thiết và giải trình các vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm toán; yêu cầu kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ của đơn vị được kiểm toán liên quan đến nội dung kiểm toán; kiểm tra toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị được kiểm toán ở trong và ngoài đơn vị trong quá trình thực hiện kiểm toán;

      4. Kiểm tra, xác nhận các thông tin kinh tế, tài chính có liên quan đến đơn vị được kiểm toán ở trong và ngoài đơn vị trong quá trình thực hiện kiểm toán.

      5. Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết có liên quan đến nội dung kiểm toán thông qua đơn vị được kiểm toán.

      6. Quyền khác theo quy định của pháp luật.

      Như vậy, kiểm toán viên có những quyền được quy định trên khi thực hiện kiểm toán tại doanh nghiệp.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn