Làm kế toán cho nhiều công ty có được không? Vợ có được làm kế toán công ty tư nhân của chồng không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 13/08/2022

Làm kế toán cho nhiều công ty có được không? Vợ có được làm kế toán công ty tư nhân của chồng không? Người bị khiếm thị thì thực hiện ký chứng từ kế toán thế nào?

    • Làm kế toán cho nhiều công ty có được không?

      Dạ, em muốn hỏi hiện tại em làm kế toán cho cơ sở bán quần áo nhưng công việc không nhiều, vậy em có thể tham gia làm kế toán công ty khác không? Nếu cả hai nơi đều đồng ý thì theo quy định pháp luật có cấm không?

      Trả lời:

      Căn cứ Khoản 1 Điều 19 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:

      Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.

      Khoản 7 Điều 13 Luật kế toán 2015 quy định: Các hành vi bị nghiêm cấm người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị kế toán kiêm làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ, trừ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu.

      Như vậy, Luật kế toán 2015 chỉ cấm người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị kế toán kiêm làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ, trừ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu chứ không có quy định nào cấm việc một kế toán không được phép làm kế toán tại nhiều công ty khác nhau. Do đó, bạn có thể làm việc hai cơ sở như bạn đã đề cập.

      Vợ có được làm kế toán công ty tư nhân của chồng không?

      Chồng tôi hiện chuẩn bị mở một doanh nghiệp tư nhân, tôi hiện đang có chứng chỉ kế toán vậy tôi có được làm kế toán trong doanh nghiệp chồng tôi hay không?

      Trả lời:

      Theo quy định tại Điều 52 Luật Kế toán 2015 về những người không được làm kế toán như sau:

      1. Người chưa thành niên; người bị Tòa án tuyên bố hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

      2. Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích.

      3. Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc, tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính - kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định.

      4. Người đang là người quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trong doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định.

      Như vậy, do chồng chị là chủ doanh nghiệp tư nhân, nên khi chị làm kế toán sẽ không thuộc trường hợp bị cấm được nêu trong luật. Nên nếu chị có chứng chỉ kế toán thì sẽ được làm kế toán trong doanh nghiệp chồng chị.

      Người bị khiếm thị thì thực hiện ký chứng từ kế toán thế nào?

      Dạ, cho em hỏi theo quy định hiện hành thì đối với người bị khiếm thị không bị mù hoàn toàn thì thực hiện ký chứng từ kế toán thế nào?

      Trả lời:

      Căn cứ Khoản 3 Điều 5 Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định về chứng từ kế toán như sau:

      Trường hợp người khiếm thị là người bị mù hoàn toàn thì khi ký chứng từ kế toán phải có người sáng mắt được phân công của đơn vị phát sinh chứng từ chứng kiến. Đối với người khiếm thị không bị mù hoàn toàn thì thực hiện ký chứng từ kế toán như quy định tại Luật kế toán.

      Cụ thể, tại Điều 19 Luật kế toán 2015 quy định về việc ký chứng từ như sau:

      Chứng từ kế toán phải có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ. Chữ ký trên chứng từ kế toán phải được ký bằng loại mực không phai. Không được ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ hoặc đóng dấu chữ ký khắc sẵn. Chữ ký trên chứng từ kế toán của một người phải thống nhất. Chữ ký trên chứng từ kế toán của người khiếm thị được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn