Bảo đảm thời gian làm việc và gia hạn hợp đồng lao động đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 30/08/2016
Tôi hiện là Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn công ty, nhiệm kỳ công đoàn hết hạn vào tháng 3/2015, hợp đồng lao động (HĐLĐ) của tôi sẽ hết hạn vào ngày 12/8/2014. Tôi đang điều trị tại bệnh viện đã được 01 tháng, dự kiến khoảng 2 tháng nữa (tháng 9/2014) tôi mới có thể xuất viện. Xin hỏi, pháp luật quy định về thời gian làm công tác công đoàn như thế nào? Công ty có quyền ra quyết định chấm dứt HĐLĐ không? Nghe nói có trường hợp được gia hạn HĐLĐ? (Trần Thị Thùy Linh, Khu Yên Cư, phường Đại Yên, TP Hạ Long).
    • Trung tâm TVPL Công đoàn xin trả lời:

      Theo khoản 2, Điều 24, Luật Công đoàn 2012: Cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở; 12 giờ làm việc trong 01 tháng đối với Ủy viên Ban chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn để làm công tác công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương. Tuỳ theo quy mô cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và đơn vị sử dụng lao động thoả thuận về thời gian tăng thêm.

      Bạn cần tham gia với BCH Công đoàn công ty có ý kiến với người sử dụng lao động (NSDLĐ), thỏa thuận, thống nhất quy định cụ thể về thời gian làm công tác công đoàn của cán bộ công đoàn không chuyên trách tại công ty, được NSDLĐ trả lương.

      Theo khoản 1, Điều 36, Bộ luật Lao động 2012 (BLLĐ) quy định các trường hợp chấm dứt HĐLĐ bao gồm: Hết hạn HĐLĐ, trừ trường hợp khi người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ.

      Như vây, hết hạn HĐLĐ là một trong các trường hợp chấm dứt HĐLĐ.

      Căn cứ khoản 1, Điều 39 BLLĐ quy định trường hợp NSDLĐ không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ: Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

      Như vậy, pháp luật chỉ quy định NSDLĐ không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ ốm đau đang điều trị trong trường hợp HĐLĐ vẫn còn đang có hiệu lực. Còn trong trường hợp HĐLĐ hết hạn, mà thời gian hết hạn HĐLĐ trùng với thời gian NLĐ nghỉ đang điều trị ốm đau, hai bên không thỏa thuận ký HĐLĐ mới thì HĐLĐ đó đương nhiên chấm dứt theo khoản 1, Điều 36 BLLĐ.

      Tại khoản 6, Điều 192 BLLĐ và khoản 1, Điều 25 Luật Công đoàn: Khi NLĐ là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn HĐLĐ thì được gia hạn HĐLĐ đã giao kết đến hết nhiệm kỳ. Đối chiếu với trường hợp của bạn, HĐLĐ hết hạn vào ngày 12/8/2014, tuy nhiên nhiệm kỳ công đoàn của bạn đến hết tháng 3/2015, do đó, HĐLĐ đã giao kết sẽ được gia hạn cho đến hết nhiệm kỳ cán bộ công đoàn không chuyên trách (khi bạn có nhu cầu). Xin lưu ý, đây là việc gia hạn HĐLĐ cho đến thời hạn trên chứ không phải ký tiếp HĐLĐ mới; việc gia hạn này không làm phát sinh thêm HĐLĐ mới mà chỉ bổ sung vào hợp đồng cũ về thời hạn hợp đồng.

      Mọi liên hệ, xin được trao đổi qua điện thoại: 033.3829.961

      Trung tâm TVPL Công đoàn tỉnh Quảng Ninh

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn