Chủ nhà có được phép giữ căn cước công dân của người giúp việc nhà không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 09/12/2022

Chủ nhà có được phép giữ căn cước công dân của người giúp việc nhà không? Chủ nhà giữ căn cước công dân của người giúp việc nhà bị phạt bao nhiêu tiền? Nghĩa vụ của chủ nhà đối với người giúp việc nhà là gì?

Chào ban biên tập, tôi vừa được nhận vào làm giúp việc nhà cho một gia đình. Trước khi ký hợp đồng thì chủ nhà yêu cầu tôi đưa căn cước công dân của tôi cho họ giữ để đề phòng tôi nghỉ việc ngang. Do không đồng ý nên tôi chưa ký hợp đồng. Ban biên tập cho tôi hỏi, tôi làm giúp việc nhà thì chủ nhà có được phép giữ căn cước công dân của tôi không?

Nhờ ban biên tập trả lời giúp tôi, tôi cảm ơn.

    • 1. Chủ nhà có được phép giữ căn cước công dân của người giúp việc nhà không?

      Tại Điều 165 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động giúp việc nhà như sau:

      1. Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình.

      2. Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động.

      3. Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.

      Như vậy, bạn làm lao động giúp việc nhà thì chủ nhà không được phép giữ căn cước công dân của bạn vì bất cứ lý do gì theo quy định của pháp luật.

      2. Chủ nhà giữ căn cước công dân của người giúp việc nhà bị phạt bao nhiêu tiền?

      Tại Điều 30 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về lao động là người giúp việc gia đình như sau:

      1. Phạt cảnh cáo đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

      a) Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình;

      b) Không trả tiền tàu xe đi đường khi lao động là người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

      2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

      a) Không thông báo cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn việc sử dụng lao động hoặc chấm dứt việc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình theo quy định;

      b) Đã bị xử phạt cảnh cáo đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này nhưng lại tiếp tục vi phạm.

      3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

      a) Giữ giấy tờ tùy thân của lao động là người giúp việc gia đình;

      b) Không trả cho lao động là người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

      4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, hoặc dùng vũ lực đối với người lao động là người giúp việc gia đình nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

      5. Biện pháp khắc phục hậu quả

      a) Buộc người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình khi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

      b) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền tàu xe đi đường cho lao động là người giúp việc gia đình đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

      c) Buộc người sử dụng lao động trả lại giấy tờ tùy thân cho lao động là người giúp việc gia đình đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;

      d) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho lao động là người giúp việc gia đình khi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

      Theo đó, nếu chủ nhà giữ căn cước công dân của người lao động giúp việc nhà thì chủ nhà có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, đồng thời phải trả lại căn cước công dân đã giữ cho người lao động là giúp việc nhà theo quy định của pháp luật.

      3. Nghĩa vụ của chủ nhà đối với người giúp việc nhà là gì?

      Tại Điều 163 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người giúp việc gia đình như sau:

      1. Thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động.

      2. Trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

      3. Tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người giúp việc gia đình.

      4. Bố trí chỗ ăn, ở hợp vệ sinh cho người giúp việc gia đình nếu có thỏa thuận.

      5. Tạo cơ hội cho người giúp việc gia đình được tham gia học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp.

      6. Trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

      Trên đây là nghĩa vụ của chủ nhà đối với người lao động giúp việc nhà theo quy định của pháp luật.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn