Có thể thỏa thuận mức ký quỹ giữa người lao động và công ty xuất khẩu lao động bao nhiêu cũng được hay không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 03/10/2022

Có thể thỏa thuận mức ký quỹ giữa người lao động và công ty xuất khẩu lao động bao nhiêu cũng được hay không? Người lao động và công ty xuất khẩu lao động được ký quỹ với nhau khi nào? Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua công ty dịch vụ được nhận lại tiền ký quỹ khi nào?

Xin chào ban biên tập, em hiện đang muốn đi xuất khẩu lao động sang nước ngoài và đang liên hệ với một công ty xuất khẩu lao động, em thấy khi mình làm hồ sơ phải ký quỹ với công ty, mức giá ký quỹ thì khác nhau tùy người. Vậy cho em hỏi tiền ký quỹ này thì mình với công ty xuất khẩu lao động thỏa thuận bao nhiêu cũng được hay sao? Xin nhờ ban biên tập giải đáp.

    • 1. Có thể thỏa thuận mức ký quỹ giữa người lao động và công ty xuất khẩu lao động bao nhiêu cũng được hay không?

      Căn cứ Điều 29 Nghị định 112/2021/NĐ-CP quy định mức trần tiền ký quỹ của người lao động như sau:

      Doanh nghiệp dịch vụ và người lao động thỏa thuận về ngân hàng nhận ký quỹ, việc ký quỹ, trong đó tiền ký quỹ không vượt quá mức trần quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này và phải được ghi rõ trong Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

      Tại Phụ lục II Nghị định 112/2021/NĐ-CP quy định:

      MỨC TRẦN TIỀN KÝ QUỸ ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI MỘT SỐ THỊ TRƯỜNG, NGÀNH, NGHỀ
      (Kèm theo Nghị định số 112/2021/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)

      TT

      THỊ TRƯỜNG

      NGÀNH, NGHỀ

      MỨC TRẦN TIỀN KÝ QUỸ (bằng tiền VNĐ)

      1

      Đài Loan (Trung Quốc)

      Thuyền viên tàu cá xa bờ và tàu vận tải

      Không ký quỹ

      Các ngành, nghề khác

      12.000.000 đồng

      2

      Hàn Quốc

      Thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu vận tải

      Không ký quỹ

      Các ngành, nghề khác

      36.000.000 đồng

      3

      Nhật Bản, các nước thuộc khu vực châu Mỹ, Đông Nam Á, Trung Đông

      Mọi ngành, nghề

      Không ký quỹ

      4

      Các quốc gia và khu vực khác

      Thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu vận tải

      Không ký quỹ

      Các ngành, nghề khác

      Tương đương giá trị 01 lượt vé máy bay hạng phổ thông từ nơi làm việc về Việt Nam

      Như vậy, mức tiền ký quỹ giữa người lao động và công ty xuất khẩu lao động sẽ do hai bên thỏa thuận nhưng giá trị không vượt quá mức trần tiền ký quỹ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định trên.

      2. Người lao động và công ty xuất khẩu lao động được ký quỹ với nhau khi nào?

      Theo Điều 30 Nghị định 112/2021/NĐ-CP quy định thực hiện ký quỹ như sau:

      1. Người lao động, doanh nghiệp dịch vụ và ngân hàng nhận ký quỹ thỏa thuận ký kết hợp đồng ký quỹ để thực hiện nghĩa vụ trong Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm các nội dung sau: tên, số căn cước công dân/hộ chiếu và địa chỉ của người lao động; tên, địa chỉ, người đại diện hợp pháp của ngân hàng nhận ký quỹ; tên, mã số, địa chỉ, người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp; số tiền ký quỹ; mục đích ký quỹ; lãi suất tiền gửi ký quỹ; hình thức trả lãi tiền ký quỹ; sử dụng tiền ký quỹ; rút tiền ký quỹ; tất toán tài khoản ký quỹ; trách nhiệm của các bên liên quan và các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật.

      2. Việc ký quỹ chỉ được thực hiện sau khi doanh nghiệp dịch vụ và người lao động ký Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người lao động đã được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp thị thực nhập cảnh nước hoặc vùng lãnh thổ làm việc.

      Theo đó, việc ký quỹ chỉ được thực hiện sau khi người lao động và công ty xuất khẩu lao động ký hợp đồng và người lao động đã được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp thị thực nhập cảnh nước hoặc vùng lãnh thổ làm việc.

      3. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua công ty dịch vụ được nhận lại tiền ký quỹ khi nào?

      Tại Điều 32 Nghị định 112/2021/NĐ-CP quy định hoàn trả tiền ký quỹ như sau:

      1. Các trường hợp hoàn trả tiền ký quỹ của người lao động

      a) Người lao động hoàn thành hợp đồng hoặc chấm dứt Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trước thời hạn nhưng không gây thiệt hại cho doanh nghiệp; người lao động đơn phương chấm dứt Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 6 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

      b) Người lao động đã nộp tiền ký quỹ nhưng doanh nghiệp không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn đã cam kết hoặc quá thời hạn chờ xuất cảnh và người lao động không còn nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài;

      c) Các trường hợp người lao động không gây thiệt hại cho doanh nghiệp;

      d) Tiền ký quỹ của người lao động còn lại sau khi đã bù đắp thiệt hại phát sinh đối với doanh nghiệp do lỗi của người lao động gây ra theo Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

      2. Thủ tục hoàn trả tiền ký quỹ của người lao động

      a) Trong trường hợp nêu tại điểm a, b và c khoản 1 Điều này, căn cứ văn bản thanh lý Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, ngân hàng nhận ký quỹ hoàn trả tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi) cho người lao động hoặc người được người lao động ủy quyền;

      b) Trường hợp nêu tại điểm d khoản 1 Điều này, ngân hàng nhận ký quỹ hoàn trả tiền ký quỹ cho người lao động (bao gồm cả gốc và lãi) căn cứ vào văn bản thanh lý Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc căn cứ vào quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật hoặc theo văn bản hòa giải thành hoặc quyết định đã có hiệu lực thi hành của Tòa án.

      3. Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ không làm thủ tục để người lao động nhận lại tiền ký quỹ theo quy định hoặc không đạt được thỏa thuận với người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định này thì người lao động có quyền kiến nghị bằng văn bản đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

      4. Trong trường hợp doanh nghiệp chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho doanh nghiệp có Giấy phép khác theo quy định tại khoản 3 Điều 28 hoặc điểm a khoản 3 Điều 29 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trách nhiệm thanh lý Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để người lao động được hoàn trả tiền ký quỹ thuộc về doanh nghiệp tiếp nhận.

      5. Trong trường hợp doanh nghiệp phá sản bàn giao hồ sơ cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 29 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản gửi ngân hàng nhận ký quỹ về việc hoàn trả tiền ký quỹ cho người lao động.

      Như vậy, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua công ty dịch vụ được nhận lại tiền ký quỹ khi thuộc một trong các trường hợp quy định trên.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn