Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng khi thay đổi cơ cấu sản xuất có được không?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 10/02/2017

Anh Lợi làm việc ở Công ty TNHH Công nghiệp XNK và dạy nghề Đà Lạt (Penlat) với loại HĐLĐ không xác định thời hạn từ tháng 5/2013, công việc được giao là Phó GĐ xưởng may với mức lương 9.300.000đ/tháng. Do gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên tháng 5/2016 Ban giám đốc đã lập phương án và tiến hành triển khai sắp xếp lại tổ chức. Công ty không còn nguồn hàng ổn định, không có hợp đồng mới nên phải thay đổi mặt hàng sản xuất từ chủng loại hàng hóa là quần Jean sang quần tây. Công ty có trao đổi với anh Lợi nhưng anh cho biết không biết kỹ thuật quần tây. Bên cạnh đó, công ty có nhiều khó khăn nên chưa có điều kiện đào tạo lại tay nghề cho anh Lợi. Do vậy, công ty quyết định giảm biên chế, cho anh Lợi thôi việc và thanh toán các khoản các chế độ cho anh Lợi. Anh Lợi khởi kiện công ty Penlat với lý do “Công ty đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật”. Vậy, công ty cho anh Lợi nghỉ việc vài tuyển dụng lao động khác như vậy có trái pháp luật hay không? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

    • Việc công ty cho anh Lợi nghỉ việc và tuyển dụng lao động mới trong trường hợp này là phù hợp với quy định của pháp luật.

      Cần thấy rằng nguyên nhân dẫn đến việc công ty cho anh Lợi thôi việc xuất phát từ lý do kinh tế dẫn đến thay đổi cơ cấu sản xuất- đây là một trường hợp chấm đứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 10 Điều 36 Bộ luật Lao động 2012 như sau: “10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.”

      Khái niệm “thay đổi cơ cấu, công nghệ và lý do kinh tế” tại quy định trên được giải thích tại khoản 1 điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động như sau:

      “1. Thay đổi cơ cấu, công nghệ tại Khoản 1 Điều 44 của Bộ luật Lao động gồm các trường hợp sau đây:

      a) Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;

      b) Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm;

      c) Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.”

      Có thể thấy, tất cả những dấu hiệu trên đều xuất hiện trong trường hợp của công ty anh Lợi: vì lý do kinh tế, sản xuất của công ty gặp khó khăn khi mặt hàng sản xuất từ quần jean sang quần âu- thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm; việc thay đổi trên tất yếu dẫn đến những thay đổi về cơ cấu lao động cũng như quy trình, công nghệ sản xuất bởi hai sản phẩm này có nhiều điểm khác biệt. Trong hoàn cảnh thay đổi như vậy, anh Lợi không có khả năng đáp ứng yêu cầu vị trí công tác mới do không có kỹ thuật về quần tây và công ty cũng không có điều kiện để đào tạo lại anh Lợi nên việc tiếp tục hợp đồng lao động với anh Lợi sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

      Điều 41 Bộ luật lao động 2012 quy định Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là “các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 37, 38 và 39 của Bộ luật này.”Theo đó, với tư cách là người sử dụng lao động, hành vi của công ty anh Lợi làm việc cũng không trái với quy định tại các điều 38- quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động và điều 39- trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

      Từ những phân tích trên có thể thấy, việc cho anh Lợi thôi việc và tuyển dụng lao động khác của công ty xuất nhập khẩu và dạy nghề Đà Lạt là hợp pháp.

      Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về đơn phương chấm dứt hợp đồng khi thay đổi cơ cấu sản xuất. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật Lao động 2012 để nắm rõ quy định này.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn